Khẩn trương khắc phục tồn tại, tạo chuyển biến trong chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ
Chiều 16/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và một số cơ quan, đơn vị có liên quan chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024. Theo đó, thời gian qua, Thành phố đã triển khai các biện pháp quyết liệt, phù hợp thực tiễn, kinh tế - xã hội với nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm tăng 6,12% (cùng kỳ 5,99%). So với cả nước, mức tăng trưởng của Hà Nội vẫn duy trì ổn định. Thu ngân sách đạt trên 376.000 tỷ đồng (tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước). Chi ngân sách đạt 68.439 tỷ đồng (tăng 17,1%). Các ngành kinh tế phát triển ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 620.000 tỷ đồng, tăng 10,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% (cùng kỳ 2,6%).
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài và các lãnh đạo TP, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì cuộc làm việc (Ảnh: Hoàng Mạnh). |
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, trong 9 tháng, Hà Nội có trên 21.800 doanh nghiệp mới được thành lập với tổng vốn đăng ký gần 200.000 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký lên 397.000. Thu hút FDI đạt hơn 1,5 tỷ USD với 197 dự án mới.
Về du lịch, Hà Nội đón 4,56 triệu lượt khách (tăng 31,3%), trong đó khách quốc tế 3,2 triệu lượt (tăng 41,5%) và khách nội địa 1,4 triệu lượt (tăng 12,9%), với tổng thu đạt 82.000 tỷ đồng (tăng 18,5%).
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, ngay sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, UBND Thành phố đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát, xác định nhiệm vụ triển khai Luật thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương và Hà Nội. Thành phố đã trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương được giao nhiệm vụ xây dựng 6 nghị định của Chính phủ để quy định chi tiết các nội dung trong Luật Thủ đô. |
Hà Nội tạo được trên 178 nghìn việc làm mới, đạt 108,3% kế hoạch trong 9 tháng qua. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 2.050.245 người, tăng 5,43% so với cùng kỳ 2023. Có 203 nghìn đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và 1.930 tỷ đồng được chi cho người có công.
Thành phố triển khai toàn diện cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; tập trung phát triển dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ công trực tuyến phục vụ đời sống người dân và hoạt động kinh doanh.
Sớm khắc phục những hạn chế thuộc thẩm quyền
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài nhận định, bên cạnh những thuận lợi, Hà Nội cùng cả nước cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Thành ủy và các cấp ủy Đảng bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới phong cách lãnh đạo theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại cuộc làm việc (Ảnh: Hoàng Mạnh). |
Theo Bí thư Thành ủy, từ đầu năm đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã thực hiện nhiều nhiệm vụ, đặc biệt đã triển khai và tổ chức thành công 3 đợt giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hoạt động tiếp xúc cử tri định kỳ được Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban MTTQ TP tổ chức hiệu quả, đúng luật, đổi mới, đối tượng cử tri phong phú.
Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, Đoàn đã tổng hợp các kiến nghị cử tri gửi Trung ương, Thành phố để xem xét, giải quyết và trả lời theo thẩm quyền. Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cũng tổng hợp báo cáo gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Bộ ngành Trung ương. Báo cáo đã đánh giá kết quả thực hiện, những hạn chế, yếu kém; kiến nghị, đề nghị UBND Thành phố, các cơ quan tư pháp và một số sở, ngành liên quan sớm triển khai khắc phục những tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền.
Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: Hoàng Mạnh). |
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp tục quan tâm, theo dõi, nắm chắc các hoạt động của Thành phố, các chủ trương chỉ đạo, lãnh đạo của Thành phố qua các buổi làm việc, công tác giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và nghiên cứu các báo cáo để có thêm thông tin thực tiễn của địa phương trong hoạt động nghị trường của Quốc hội.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đề nghị UBND Thành phố, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế đã được nêu trong các ý kiến, kiến nghị của các Đoàn giám sát để tạo sự chuyển biến rõ nét hơn trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thành phố đạt hiệu quả cao nhất.