Khám phá vẻ đẹp của Ấn Độ qua những địa danh nổi tiếng ở bang Telangana
Pháo đài Golconda
Nằm ở phía Tây của thành phố Hyderabad (bang Telengana, miền Nam Ấn Độ), pháo đài Golconda là điểm đến thú vị để du khách tìm hiểu nghệ thuật xây dựng thời xưa ở Ấn Độ. Tên gọi của pháo đài trong tiếng Telugu là Shepherd’s Hill. Pháo đài được xây dựng trên một ngọn đồi cao 121,92 mét. Phế tích pháo đài Golconda còn lại hôm nay phản ánh lịch sử Ấn Độ qua nhiều triều đại.
Golconda là pháo đài thời trung cổ độc đáo. |
Những di tích du khách có thể tham quan tại pháo đài Golconda là: Nhà thờ Hồi giáo, kho vũ khí, kho thóc, hồ chứa và khu nhà ở hoàng gia. Với tất cả những điều này, pháo đài xuất hiện thật sự ấn tượng trong mắt khách thăm.
Đứng trên đỉnh pháo đài, du khách còn có thể nhìn thấy cao nguyên Deccan tuyệt đẹp và toàn cảnh thành phố Hyderabad nhộn nhịp.
Pháo đài Golconda rực rỡ về đêm. |
Pháo đài Golconda nổi tiếng với hệ thống cấp nước khéo léo và khẩu pháo Fateh Rahben từng được sử dụng trong cuộc bao vây Golconda cuối cùng của Vua Aurangzeb. Du lịch Ấn Độ dành thời gian đến đây, bạn có thể thưởng thức The Sound & Light - chương trình làm sống lại pháo đài Ấn Độ hùng vĩ.
Đài kỷ niệm Char Minar
Đài kỷ niệm Char Minar, thành phố Hyderadabad là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của Hyderabad nằm ở trung tâm khu phố cổ, gần nhà thờ Mecca Masjid và Laad Bazaar - con phố mua sắm náo nhiệt.
Char Minar nổi bật bởi 4 ngọn tháp cao vút, 45 khu vực cầu nguyện và một nhà thờ Hồi giáo. |
Công trình Char Minar được xây dựng vào năm 1591 theo lệnh của vua Muhammad Quli Qutub Shah để kỷ niệm ngày thành lập thành phố Hyderabad và giúp ngăn chặn bệnh dịch chết người tràn lan ra vùng Golconda. Char Minar nổi bật bởi 4 ngọn tháp cao vút, 45 khu vực cầu nguyện và một nhà thờ Hồi giáo.
Tượng Phật Hussain Sagar
Hussain Sagar là một hồ nước được xây dựng vào năm 1562. Hồ dài 24km, nằm cạnh cửa sông Musi, cung ứng nước ngọt cùng hệ thống tưới tiêu nước cho thành phố Hyderabad. Giữa lòng hồ nước này có một cồn đất là nơi tọa lạc của pho tượng Phật Thích Ca được dựng vào năm 1992, đây cũng là một trong những pho tượng Phật cao nhất ở châu Á.
Bức tượng Phật khổng lồ này là điểm du lịch chính dành cho du khách viếng thăm Hyderabad, thành phố ngọc trai. |
Bức tượng Phật cao 17m và cân nặng 320 tấn, được làm bằng đá granite trắng nguyên khối chạm khắc bởi 200 nhà điêu khắc trong hai năm. Bức tượng đã được vận chuyển đến Hyderabad vào tháng 10/1988.
Bức tượng Phật khổng lồ này là điểm du lịch chính dành cho du khách viếng thăm Hyderabad, thành phố ngọc trai.
Đền Ramappa
Đền Ramappa, thành phố Warangal được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2021. Nằm trong một thung lũng ở làng Venkatapur, thuộc quận Mulugu, ngôi đền này có niên đại từ năm 1213 và được xây dựng bởi vị tướng Recharla Rudra dưới triều đại của Vua Ganapati Deva. Đây là đền thờ thần Shiva, từng được Marco Polo trong chuyến ghé thăm đế chế Kakatiya gọi là "ngôi sao sáng nhất trong dải ngân hà các đền thờ".
Từ khi đền Ramappa được UNESCO công nhận Di sản thế giới năm 2021, ngày càng nhiều du khách nước ngoài đến tham quan thành phố này. |
Anh Kusuma Suryakiran, cán bộ Tổng cục Du lịch Telangana cho biết, toàn bộ đền được xây dựng bằng nhiều loại đá khác nhau nhưng cấu trúc chính là sa thạch đỏ. Đền cao khoảng 1,8 m, sảnh trước của thánh điện có rất nhiều cột trụ chạm khắc được định vị để tạo ra hiệu ứng kết hợp giữa ánh sáng và không gian. Các cột tròn bên ngoài đền có chân đế lớn bằng đá bazan màu đen, được chạm khắc những con vật thần thoại, vũ nữ hoặc nghệ sĩ và là "những kiệt tác của nghệ thuật Kakatiya, rất đáng chú ý vì tinh xảo, tư thế gợi cảm, thân và đầu thuôn dài". Phần đỉnh của đền được làm bằng loại gạch có thể nổi trên mặt nước. Phần dưới là các tảng đá xếp chồng lên để khi có nước lũ chảy qua thì cũng sẽ trượt qua nhanh chóng và đền không bị đổ.
Theo lời kể của anh Kusuma Suryakiran, kiến trúc của đền Ramappa nói riêng và các di tích khác ở Warangal nói chung chịu ảnh hưởng của nhiều triều đại khác nhau trong lịch sử nhưng chủ yếu vẫn là của triều đại Kakatiyan vào khoảng thế kỷ 12. Trước đây, du khách đến thăm Warangal phần lớn là người Ấn, nhưng kể từ khi đền Ramappa được UNESCO công nhận Di sản thế giới năm 2021, thành phố này ngày càng hấp dẫn du khách nước ngoài bởi sự huyền bí và đầy màu sắc lịch sử.
Đền Ngàn trụ
Nằm ở chân đồi Hanamkonda, đền Ngàn trụ là một trong những phần quan trọng nhất của thành phố lớn thứ hai bang Telangana. Ngôi đền được xây dựng vào năm 1163 sau Công nguyên bởi Vua Rudra Deva vĩ đại và mang phong cách kiến trúc Chalukya đặc trưng. Kiến trúc của đền là hình ngôi sao và các cột được chạm khắc tinh xảo, là minh chứng cho trình độ chuyên môn của những người thợ thủ công tuyệt vời.
Người dân Ấn Độ thường đến đền Ngàn trụ để thực hiện các nghi lễ tôn giáo, đi chân trần 3 hoặc 5 vòng quanh đền để cầu nguyện. |
Ngôi đền thờ 3 vị thần: Shiva, Vishnu và Surya. Anh Kusuma Suryakiran cho hay, người dân ở đây thường đến đền Ngàn trụ để thực hiện các nghi lễ tôn giáo, đi chân trần 3 hoặc 5 vòng quanh đền để cầu nguyện.
Pháo đài Warangal
Pháo đài Warangal được xây dựng vào thế kỷ 13 bởi Vua Ganpatideva của triều đại Kakatiya. Ngày nay, pháo đài chỉ còn là đống đổ nát nhưng người ta vẫn có thể nhìn thấy một bức tường đắp bằng bùn cao hơn 6m bao quanh như một kỷ niệm về thời xưa cùng bức tường thứ hai được làm bằng đá granit.
Pháo đài Warangal được xây dựng vào thế kỷ 13 bởi Vua Ganpatideva. |
Hoàng hôn tại Pháo đài Warangal. |
4 cổng đá còn sót lại, dù không nguyên vẹn nhưng cũng khá ấn tượng với chiều cao hơn 9 m, có những hình chạm khắc hấp dẫn và một cổng vào được chạm khắc tinh xảo trong pháo đài hiện là biểu tượng chính thức của Telangana. Đó là chưa kể đến 45 cây cột và tháp trong pháo đài trải rộng trên diện tích 19 km.
Đồi Nagarjunakonda
Đồi Nagarjunakonda (Long Thọ) thuộc bang Andhra Pradesh, cách Hyderabad khoảng 150km. Tên gọi Đồi Long Thọ là được đặt theo tên của ngài Long Thọ, một triết gia và cũng là một nhà tư tưởng kiệt xuất của Phật giáo. Ngọn đồi này hiện nay như một hòn đảo nhỏ ở trên một đập nước lớn có tên gọi là Nagarjunasagar (Nagarjunasagar Dam). Để tham quan địa danh này du khách phải đi phà.
Viện bảo tàng Nagarjunakonda trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến Phật giáo. |
Nagarjunakonda từng là kinh đô của triều đại Ikshvaku (225TL - 325TL), được trì vì bởi những hậu duệ của Satavahana ở Đông Deccan. Địa danh này đã có thời Phật giáo rất hưng thịnh, với nhiều chùa tháp và trường đại học Phật giáo được xây dựng, và cũng từng có nhiều Tăng sĩ từ những nước khác đến tu học.
Nagarjunakonda thường được xem là nơi Phật giáo Đại thừa phát triển rực rỡ nhất, thậm chí được coi như là một “Thánh địa” hay “cái nôi” của Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ. Ngày nay, dấu ấn Phật giáo ở Nagarjunakonda là những gì được khai quật và trưng bày ở viện bảo tàng tọa lạc trên Đồi Long Thọ, và một số di tích Phật giáo khác ở trên hòn đảo nhỏ này.
Nagarjunakonda thường được xem là nơi Phật giáo Đại thừa phát triển rực rỡ nhất. |
Viện bảo tàng Nagarjunakonda xây theo kiểu kiến trúc Gandhara, trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến Phật giáo, như hình tượng Phật và Bồ-tát, chữ viết trên đá, phù điêu, những tấm bảng khắc họa những hình ảnh có nguồn gốc từ những câu chuyện Tiền thân (Jataka)… Bên cạnh, viện bảo tàng cũng trưng bày những hiện vật liên quan đến Ấn giáo và Ky-na giáo.