Kết hôn được 5 tháng vợ mắc bệnh tê liệt toàn thân, người chồng bên cạnh chăm sóc 58 năm
58 năm trước, thông qua sự giới thiệu, ông Đỗ Nguyên Pháp quen biết bà Chu Ngọc Ái. Ông Đỗ kể lại: "Tôi biết đối phương là người có nhân phẩm tốt, tính cách thành thật thì liền đồng ý, nào có yêu cầu gì nhiều đâu". Ông còn nói, vốn có sẵn một căn nhà cũ, hai người mua thêm chút đồ đặt vào rồi sau liền làm lễ thành hôn.
Tân hôn được 5 tháng, một sự việc ngoài ý muốn xảy ra phá vỡ cuộc sống sinh hoạt của đôi vợ chồng mới cưới. Bà Chu đột nhiên mắc căn bệnh quái ác, nằm liệt trên giường không cách nào dậy nổi, ông Đỗ đang làm công ở xa nghe tin lập tức quay về nhà. Đến nơi thì phát hiện vợ mình toàn thân co cứng, bàn tay thậm chí không nhấc được đồ vật, ngay cả khi ăn cơm cũng cần người khác giúp chầm chậm đút vào từng miếng.
Một thời gian dài, ông để vợ nằm trên chiếc xe cút kít đã cũ đưa đến rất nhiều bệnh viện chữa trị. Nhưng đáp lại sự cố gắng không ngừng nghỉ của ông là những cái lắc đầu của bác sĩ, họ đều nói rằng vợ ông đã tê liệt toàn thân, thậm chí mất khả năng sinh nở.
Mọi người đều khuyên ông nhanh chóng làm thủ tục ly hôn đi, đừng vì lý do này mà làm lỡ dở cuộc đời mình. Nhưng ngày ấy, ông nhìn người vợ đau ốm nằm trên giường mà nói: "Em yên tâm, tôi sẽ dùng cả đời này thương em".
Sau khi xảy ra sự cố ấy, ông quyết định nghỉ việc ở nhà chăm sóc vợ. Vài chục năm nay, hai người chỉ dựa vào mấy mẫu đất cằn cỗi để duy trì cuộc sống.
Bao nhiêu năm đã qua vậy nhưng ông chưa từng nghĩ sẽ bỏ cuộc. Cứ nghe được lời đồn nơi nào có thể chữa trị cho vợ, ông đều đến thử một lần. Có khi ông phải hái lá trên núi xuống làm thuốc, bởi lo lắng trong lá có độc, ông liền tự mình thử trước, xác định an toàn mới đưa cho vợ uống.
Bởi vì lý do bệnh tật, người bạn già của ông chỉ có thể "a a ô ô" nói những từ không được phát âm tròn vành, người khác nghe không ra nhưng ông lại có thể hiểu ngay. Ông chia sẻ: "Bà ấy không thể rời xa người khác, càng không thể nào không có tôi. Ra ngoài làm chút chuyện cũng muốn mau chóng quay về, chỉ lo bà ấy xảy ra chuyện." Người đàn ông này những năm qua, ngoại trừ mang vợ đi khám bệnh, chưa một lần rời nhà quá xa.
Cháu trai ông kể: "Bao giờ cũng vậy, đến bữa ông đều đút cơm cho thím trước, thím ăn xong rồi ông mới bắt đầu ăn."
Bởi lo lắng cho vợ nằm lâu cơ thể bị lở loét, mỗi ngày ông đều đặn lau cơ thể vợ sạch sẽ. Mùa đông đến, nếu thời tiết quang đãng ông lại đưa người bạn già của mình ra ngoài phơi nắng. Suốt 58 năm, được ông tỉ mỉ chăm sóc, cơ thể bà chưa từng bị hoại tử.
Hình ảnh ông chăm sóc người vợ già toàn thân tê liệt bao năm qua làm cảm động rất nhiều người trong vùng. Chỉ cần có việc, mọi người đều nguyện ý xắn tay vào giúp đỡ, cán bộ địa phương cũng làm trợ cấp giúp hai người bớt phần khổ cực. Đối với việc này, ông vẫn luôn cảm thấy vô cùng biết ơn mọi người.
"Em yên tâm, tôi sẽ dùng cả đời này thương em". Vì một câu hứa hẹn này, ông đã "thương" người bạn già của mình suốt 58 năm qua.
Có lẽ, ông ấy cũng không biết hai từ "lãng mạn" ra sao, nhưng ông lại dùng từng ấy thời gian chứng minh cho câu "một đời", "bên nhau lúc hoạn nạn", hay câu nói người dân Trung Quốc vô cùng yêu thích: "Tôi ở bên em, để được cùng nhau chầm chậm già đi".
Yêu thương là ở bên nhau, là sự bảo vệ không lời, là dù cho nắng vàng tươi sáng hay cuồng phong mưa rào đều giúp nhau chống đỡ. Yêu, không cần nói quá nhiều, làm bạn mới là lời bày tỏ lâu dài nhất.
Tình cảm son sắt mà ông dành cho bà khiến cho mọi người đều phải cảm động.
Hường Vũ