Kathina – Lễ hội Phật giáo lớn nhất của người Khmer
Lễ Kathina được đồng bào Khmer tổ chức sau 3 tháng an cư kiết hạ và trước ngày lễ Ok Om Bok cổ truyền. Theo quy định của Phật giáo Nam tông Khmer, các chùa sẽ ấn định một ngày cụ thể rồi thông báo cho Phật tử trong phum sóc biết để tiến hành ngày làm lễ Kathina.
Đồng bào Khmer tổ chức lễ Kathina nhằm cầu cho phum sóc được bình yên, mỗi gia đình hưởng hạnh phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây cũng là dịp để đồng bào Khmer thành kính dâng những áo cà sa, các vật dụng dành cho chư tăng.
Chính vì thế, hàng năm từ ngày 15/9 đến ngày 15/10 Âm lịch, lễ Kathina lại được Phật tử trong các phum sóc long trọng tổ chức. Với lễ hội này, các phum sóc không ấn định ngày tổ chức giống nhau. Tuy nhiên, đây là dịp thắng duyên cho cả Phật tử và Chư tăng. Theo nghi thức, lễ Kathina được tổ chức trong 2 ngày. Thông thường mỗi năm sẽ có từ 1 – 3 gia đình trong phum sóc chung nhau tổ chức nghi lễ này.
Ngày thứ nhất, lễ hội diễn ra tại chùa. Các sư sãi sẽ đọc kinh cầu nguyện để cầu cho các gia đình, cư dân phum sóc an lành, mọi người gặp nhiều may mắn.
Ngày thứ 2 được xem là ngày hội đông vui nhất của ngày lễ Kathina. Đồng bào Phật tử sẽ tổ chức một đám rước Kathina quanh phum sóc của mình và chánh điện trước khi làm lễ dâng bông và dâng áo cà sa lên sư sãi.
Trong dịp này, các Phật tử phải chuẩn bị vật phẩm dâng lên trong lễ Kathina. Đó là áo cà sa, bình bát để sư sãi khất thực, tập viết… Đi kèm đám rước Kathina là đội trống Sa dăm, đội Rô băm và hàng trăm cây hoa, cây cảnh được trang trí bằng những sợi dây nhựa lấp lánh theo bước chân của cư dân phum sóc. Những thiếu nữ được chọn xếp thành hai hàng, rước hai hàng hoa lấp lánh đi cùng đoàn trước khi về chùa dâng lên sư sãi. Vì có nhiều hoa trong đám rước nên ngày lễ Kathina của đồng bào Khmer còn được gọi là ngày lễ Dâng bông.
Lễ Kathina là nghi lễ đậm đà văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng. Với người Khmer được tổ chức lễ Kathina là niềm tự hào, là ước nguyện và vinh dự của gia đình, dòng họ. Chính vì vậy, mỗi người dân Khmer khi đến dịp này đều sắp xếp thời gian, công việc để về dự lễ hội này đông đủ và thành kính.
Nam Yên