Hy Lạp tìm kiếm thỏa thuận hoãn nợ mới từ châu Âu
Trong một bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã kêu gọi một thỏa thuận công bằng. Ông thừa nhận trách nhiệm lịch sử của Hy Lạp, sau khi các nhà lãnh đạo EU cho Hy Lạp 5 ngày để tìm ra những cải cách mang tính thuyết phục hơn.
Chính phủ Hy Lạp đã đệ trình một yêu cầu cho vay không xác định số lượng lên Quỹ Cứu trợ tài chính châu Âu (EFSF). Quốc gia này muốn đáp ứng các trách nhiệm chủ nợ và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính. Hy Lạp cũng hứa sẽ sớm bắt đầu thực hiện các biện pháp thuế và tìm kiếm trợ cấp từ các chủ nợ trong ngày thứ hai.
Hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp trong hội nghị về khủng hoảng Hy Lạp tại Brussels. (Ảnh: Wsj)
Với các ngân hàng đóng cửa, hạn chế rút tiền mặt và nền kinh tế rơi tự do, Hy Lạp chưa bao giờ tiến tới một nhà nước vỡ nợ gần như thế. Nếu xảy ra, điều này nếu xảy ra sẽ buộc Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone và phát hành một đồng tiền thay thế. Tuy nhiên, lãnh đạo quốc gia này có vẻ bình thản và khiêm nhường, khi ông xuất hiện trước các nhà lập pháp EU tại Strasbourg, nước Pháp. Ông Tsipras cho biết Hy Lạp đã không còn lựa chọn, nhưng yêu cầu một lối thoát cho “sự bế tắc”.
Mặc dù vậy, ông đưa ra các chi tiết ít ỏi trong kế hoạch cải cách của mình, khiến nhiều nhà lập pháp không hài lòng.
Người đứng đầu nhóm các bộ trưởng của khối EU Jeroen Diselbloem yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đánh giá các yêu cầu vay vốn, tính bền vững và nghiên cứu nguy cơ của khủng hoảng Hy Lạp với sự ổn định tài chính của Eurozone. Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhắc lại rằng các khoản nợ lớn của Hy Lạp cần được tái cấu trúc.
Tình hình tài chính nguy cấp
Nếu các nhà lãnh đạo EU hài lòng với các cam kết cải cách của Hy Lạp, một khoản vay và một số hỗ trợ tài chính sẽ được chấp thuận vào ngày chủ nhật (12/7). Đó là một viễn cảnh khó thực hiện bởi bất đồng giữa các hệ tư tưởng. Thủ tướng Tsipras đã hứa sẽ cung cấp kế hoạch cải cách chi tiết vào hôm nay 9/7 và tránh làm tức giận các đối tác châu Âu. Tuy nhiên ông lại chỉ trích những nỗ lực “khủng bố” nhằm buộc người dân Hy Lạp bỏ phiếu chấp thuận “một chính sách thắt lưng buộc bụng không có hồi kết”.
Khủng hoảng tài chính Hy Lạp là vấn đề đau đầu với các nước châu Âu.
ECB hiện đang đóng băng khoản tài trợ khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp và khiến chúng sắp cạn tiền. Chính phủ Hy Lạp cho biết các ngân hàng đóng cửa cho đến 13/7 và việc rút tiền qua thẻ ATM vẫn bị hạn chế.
Giới chức châu Âu muốn Hy Lạp sớm thông qua các biện pháp trước ngày chủ nhật để chứng minh sự nghiêm túc của mình. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng bà sẽ hỏi Quốc hội ở Berlin cho phép mở đàm phán khoản cứu trợ nếu các biện pháp của Hy Lạp đạt yêu cầu.
“Thừa nhận sự bất lực”
Pháp đã cố gắng để hòa giải Athens và Berlin, đồng thời cảnh báo về nguy cơ của khủng hoảng Hy Lạp vào ngày thứ tư (8/7). Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói với Quốc hội nước này ở Paris: “Giữ Hy Lạp trong khối EU là một nhiệm vụ hết sức quan trọng về địa chiến lược và địa chính trị. Để Hy Lạp ra đi sẽ là thừa nhận sự bất lực”. Mặc dù các nỗ lực vào phút cuối đã gợi ý về một thỏa thuận, cuộc thăm dò các nhà kinh tế của Reuters vào tuần trước cho thấy xác suất Hy Lạp rời khỏi nhóm Eurozone đã tăng từ 45% lên 55%.
Hy Lạp đang trông chờ vào một thỏa thuận hoãn nợ từ châu Âu
Thủ tướng Tsipras thừa nhận chính phủ của ông đã dành nhiều thời gian đàm phán hơn, nhưng ông thất vọng với những người muốn nghe các biện pháp cụ thể để ngay lập tức tái thiết nền kinh tế đã sụp đổ. Ông Tsipras cũng chỉ trích mạnh mẽ thất bại của Hy Lạp trong các vấn đề xã hội, tham nhũng, trốn thuế, bất bình đẳng và “mối quan hệ của quyền lực chính trị và kinh tế”.
Kinh tế Hy Lạp trượt dài từ năm 2010 khi bắt đầu bị thâm hụt ngân sách nặng nề. Khủng hoảng nợ công đến sau khi các nhà đầu tư sụt giảm lòng tin nặng nề vào quốc gia này, tiếp đó Hy Lạp phải đối mặt với các khoản nợ và lãi đến hạn.
Trọng Sang