Hướng đến hệ thống tư pháp riêng và khác biệt cho vị thành niên
Điểm tựa pháp lý cho người chưa thành niên
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, người chưa thành niên vi phạm pháp luật bị xử lý được chia làm 2 độ tuổi phù hợp với sự phát triển về tính cách, tâm sinh lý, độ chín chắn, trưởng thành... Đó là độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.
Về trách nhiệm hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính chỉ bị phạt cảnh cáo; người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên vi phạm hành chính thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt không quá một phần hai mức phạt đối với người thành niên hoặc bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh.
Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. |
Về trách nhiệm hình sự, theo Bộ luật Hình sự năm 2015, người chưa thành niên đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng và việc miễn trách nhiệm hình sự đối với các em được thực hiện theo quy định chung. Riêng người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thì chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác như tuổi chịu trách nhiệm hình sự, chuẩn bị phạm tội, xóa án tích...
Nhều chuyên gia pháp lý nhận định, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự 2015 đã có những quy định tiến bộ về trình tự thủ tục xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Đặc biệt theo Bộ luật Hình sự 2015 thì thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi như các quy định về hỏi cung bị can theo chuẩn mực quốc tế, bảo đảm thân thiện...
Ngoài ra, do đặc điểm của người chưa thành niên mà pháp luật Việt Nam mà các quy định trong pháp luật Việt Nam cũng đã đề cao việc giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh trở thành công dân có ích cho xã hội là mục đích chủ yếu. Việc buộc người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình là nhằm mục đích để các em nhận thức sâu sắc rằng hành vi phạm tội của các em đã vi phạm các chuẩn mực và quy tắc của nhà nước, của xã hội.
Tạo lập hệ thống tư pháp vị thành niên riêng và khác biệt
Theo PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc củng cố hệ thống tư pháp người chưa thành niên, và có nhiều quy định đặc biệt dành cho người chưa thành niên theo các luật điều chỉnh hệ thống tư pháp hành chính và hình sự.
PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND TC: Việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật tư pháp người chưa thành niên nhằm từng bước cụ thể hóa các cam kết quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia. |
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một luật toàn diện, chuyên biệt để tạo nền tảng vững chắc cho một hệ thống tư pháp vị thành niên riêng và khác biệt. Các biện pháp xử lý đặc biệt đối với người chưa thành niên (hành chính và hình sự) vẫn nằm rải rác ở nhiều luật và văn bản dưới luật, dẫn đến sự phân tán và thách thức trong việc thực thi hiệu lực và hiệu quả. Việc đưa ra một luật mới để hợp nhất và thay thế tất cả các quy định pháp luật hiện hành về tư pháp người chưa thành niên sẽ giải quyết được tình trạng manh mún này.
Theo TS Lê Huỳnh Tấn Duy, Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng Hình sự, Khoa Luật Hình sự Trường ĐH Luật TP HCM, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách nhất định giữa pháp luật Việt Nam và các quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế về việc đối xử với phạm nhân là người chưa thành niên…
GS.TS Shruti Bedi, Viện nghiên cứu pháp lý (UILS), ĐH Panjab, Chandigarh, Ấn Độ cho hay, một trong những vấn đề khó khăn nhất của tư pháp hình sự là cung cấp một khung pháp lý rõ ràng để giải quyết việc chuyển tiếp từ giai đoạn thời thơ ấu sang người lớn. Các quốc gia có sự phân biệt giữa định nghĩa “trẻ em” và “người lớn” theo những cách khác nhau dựa trên sự đa dạng của các yếu tố được xem xét.
Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên theo đó được kỳ vọng sẽ tạo lập nền tảng vững chắc cho một hệ thống tư pháp vị thành niên riêng và khác biệt.