Huế: Thiền sư Thích Nhất Hạnh về chùa Từ Hiếu an dưỡng
Trao đổi với PV, sư thầy Thích Từ Đạo, Giám tự Tổ đình Từ Hiếu cho biết: Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã về tới chùa Từ Hiếu an dưỡng, nghỉ ngơi tại khu phòng mà ngài đã từng ở lúc mới xuất gia vào chùa để tu học.
Trước đó, vào chiều 26/10, chuyến bay chở thiền sư Thích Nhất Hạnh từ thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã về tới cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng trong sự chào đón của các chư tăng, phật tử.
Sau khi xuống sân bay, Thiền sư Nhất Hạnh đã được đệ tử đón về nghỉ dưỡng tại khu Resort Fusion Maia trên đường Võ Nguyên Giáp, TP.Đà Nẵng để nghỉ ngơi.
Đến ngày 28/10, thiền sư Thích Nhất Hạnh từ TP.Đà Nẵng đã về thăm chùa Từ Hiếu. Hay tin thiền sư Thích Nhất Hạnh về chùa Từ Hiếu an dưỡng, nhiều phật tử ở Huế đã đến đây chờ đón ngài.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh về an dưỡng tại chùa Từ Hiếu.
“Đợt trở về Việt Nam lần này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xin cư ngụ tại chùa Từ Hiếu để tịnh dưỡng cho đến lúc ngài viên tịch. Căn phòng ngài ở nằm ở phía tay phải chánh điện, xung quanh có nhiều cây xanh, không khí trong lành”, sư thầy Thích Từ Đạo tâm sự.
Hiện, sức khỏe của Thiền sư Thích Nhật Hạnh khá tốt, ngài có thể giao tiếp được với mọi người thông qua cử chỉ và ánh mắt. Một Ban Thị Giả được thành lập để chăm lo việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Được biết, Thiền sư Thích Nhất Hạnh (SN 1926) tại Thừa Thiên-Huế, là một nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà sư nổi tiếng của Phật giáo thế giới. Với những hoạt động không ngừng nghỉ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Trước đó, vào năm 2017, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã về Việt Nam và tịnh dưỡng một thời gian. Thiền sư đã trở về tổ đình Từ Hiếu, nơi ông bắt đầu con đường xuất gia tu học thuở thiếu thời, sau đó sang tịnh dưỡng ở Thái Lan.
Cổng tam quan, hồ bán nguyệt của chùa Từ Hiếu.
Chùa Từ Hiếu ban đầu chỉ là một Thảo Am với tên gọi là am An Dưỡng do Tổ sư Nhất Định lập nên và đã trở thành một biểu tượng của chốn thiền môn về đạo hiếu trong suốt nhiều thế kỷ qua.
Hằng năm, người dân Cố đô Huế và Phật tử, du khách thập phương thường tìm đến đây để thưởng ngoạn, ngắm cảnh, bỏ lại những lo toan, phiền muộn của cuộc sống.