Huế hướng tới thành phố sáng tạo của UNESCO
Ngày 22/9, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO và khả năng chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa ở Huế”.
Hội thảo khoa học “Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO và khả năng chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa ở Huế”. |
Ẩm thực là một trong những thế mạnh của Huế
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng VICAS cho rằng, ở Việt Nam hiện tại, Hà Nội là thành phố duy nhất đã chính thức tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực Thiết kế. Hà Nội đã và đang từng bước thực hiện các sáng kiến đã cam kết khi tham gia mạng lưới với 3 sáng kiến ở cấp địa phương.
“Sau khi Hà Nội tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo vào năm 2019, vào năm 2021, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai Kế hoạch xây dựng Đề án Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam, và đã xác định các thành phố tiềm năng: Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh” - PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.
PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng VICAS phát biểu. |
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Ẩm thực Huế đa dạng, cầu kỳ trong cách chế biến thức ăn; chuyển tải đầy đủ tính mỹ thuật, tính tập thể, sự tinh tế và ngon lành… từ lâu đã trở thành một sản phẩm văn hóa - du lịch đặc sắc. Vì thế, cùng với hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, thì một trong số các tiềm năng du lịch nổi trội của Thừa Thiên Huế, ẩm thực là một trong những thế mạnh, có tính cạnh tranh cao so với các điểm đến khác trong nước.
“Huế lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, bởi đây là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa Huế, đáp ứng những nhu cầu của xã hội đồng thời tạo cơ hội xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế gắn liền phát triển tài nguyên văn hóa và con người, bảo vệ môi trường sinh thái” - ông Thọ chia sẻ.
Cần đẩy mạnh bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ
GS. TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, ẩm thực là một thế mạnh để Huế khai thác xây dựng thương hiệu “Kinh đô ẩm thực Việt Nam”.
Ở Huế có ẩm thực phong phú như: Bún bò, cơm hến, bánh bèo, bánh bột lọc nhân tôm, thanh trà, mè xửng, chè hạt sen, ruốc, tôm chua và tré là 10 đặc sản ẩm thực lọt vào top Đặc sản Việt Nam lần thứ nhất (2012). Đặc biệt, bún bò là một trong số 12 món ăn Việt Nam được xác lập Kỷ lục châu Á trong năm 2012. Bên cạnh đó, có ít nhất 30 đến 50 món chay ở Huế thỏa sức cho du khách trải nghiệm.
Đề cập đến sản phẩm và dịch vụ văn hóa, GS Từ Thị Loan đề xuất, cần tiếp tục được cải tiến, nâng cấp và hoàn thiện hơn. Nhiều mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, rập khuôn, tính sáng tạo chưa cao, chất lượng còn nhiều hạn chế. Thị trường văn hóa của Huế còn ở giai đoạn phát triển tự phát, quy mô chưa lớn, chưa mở rộng được xuất khẩu. Việc đăng kí thương hiệu, bảo vệ tác quyền vẫn chưa được chú trọng.
Ngoài ra, cần xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn các giá trị bản sắc Huế, văn hóa Cố đô Huế với yêu cầu đổi mới, hiện đại hóa trong phát triển công nghiệp sáng tạo. Người Huế xưa nay vẫn khá là bảo thủ, hoài cổ, trung thành với các giá trị truyền thống. Tâm lý e ngại sáng tạo đổi mới sẽ làm tổn thương các giá trị cổ xưa vẫn khá phổ biến.
Còn theo TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên Huế, nhiều du khách chọn Huế là điểm đến du lịch xuất phát từ động cơ khám phá ẩm thực Huế. Ngoài trải nghiệm cơm cung đình, tiệc cung đình, các món chay, du khách còn muốn khám phá ẩm thực truyền thống, như: bún bò Huế, cơm hến, bánh canh, nem lụi, bánh khoái, các loại bánh Huế, và các loại chè do người dân Huế trực tiếp chế biến để có những trải nghiệm đích thực về các sản phẩm “nguyên bản” của Huế.
“Trong những năm qua, việc phát triển tài sản trí tuệ đã được chính quyền và người dân tỉnh quan tâm nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế. Số lượng văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, đặc biệt là đối với sáng chế, giải pháp hữu ích còn ít; nhiều sản phẩm đặc thù, sản phẩm truyền thống gắn với tên địa danh chưa được đăng ký bảo hộ. Hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp xác lập, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ cần được đẩy mạnh hơn nữa” – TS Hồ Thắng chia sẻ.
TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên Huế. |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hồ sơ ứng cử cũng như duy trì và phát huy yếu tố sáng tạo của thành phố sau khi tham gia mạng lưới; đánh giá những cơ hội, tiềm năng, thách thức; đề xuất mô hình thành phố sáng tạo đối với Huế cũng như các giải pháp hữu hiệu để xây dựng mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO, với những trường hợp điển hình như Thành phố Hà Nội, Huế, Hội An...
Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Kinh nghiệm của các thành phố tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO tại Việt Nam và trên thế giới. Những chuyển biến, thành quả đạt được sau khi các thành phố tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo.
Bên cạnh đó, thảo luận các tiêu chí ghi danh vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO - tham chiếu với điều kiện của Việt Nam: cơ hội, tiềm năng, thách thức và giải pháp. Cơ hội và lựa chọn cho Huế, điều kiện để TP Huế đáp ứng các tiêu chí này; Thực trạng và xu hướng phát triển công nghiệp sáng tạo ở các thành phố của Việt Nam, đặc biệt tham chiếu cho trường hợp Thành phố Huế theo định hướng đô thị sinh thái và di sản.
Ngoài ra, các đại biểu còn đề xuất các mô hình và xu hướng phát triển các không gian văn hóa - sáng tạo, trung tâm sáng tạo tại các thành phố của Việt Nam; Các ý tưởng và dự án cụ thể để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo của Huế. Các cơ hội hợp tác giữa Huế và các thành phố khác trong mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, cũng như giá trị của việc tham gia mạng lưới này đối với Huế. Thảo luận về các chính sách và giải pháp cần thiết để hỗ trợ sự phát triển các ngành kinh tế sáng tạo của thành phố Huế.
Hà Nội và Huế trong top 10 thành phố châu Á năm 2023 của Giải thưởng Travel+Leisure Luxury Awards Mới đây, giải thưởng Travel+Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023 hạng mục “Thành phố” đã vinh danh 10 thành phố hàng đầu châu Á năm 2023, trong đó Hà Nội và Huế lần lượt đứng ở vị trí thứ 6 và vị trí thứ 8. |
Kỷ niệm 30 năm ngày Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã Nhạc được UNESCO vinh danh Tối 17/6, tại Ngọ Môn Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới. |