Hợp thức hóa mại dâm là vi phạm pháp luật về quyền con người
Những ngày vừa qua, dư luận đang xôn xao trước thông tin hợp pháp hóa mại dâm, coi đây là một ngành nghề trong xã hội, ở Việt Nam sẽ có hẳn những “khu phố đèn đỏ” cho hoạt động này. Từ khi thông tin này được lan rộng, có vô số các ý kiến khác nhau, đồng nhất có, song ý kiến phản đối cũng khá nhiều.
Mại dâm là một nghề thì hướng nghiệp, dạy nghề thế nào?
Cùng vào cuộc lấy ý kiến về vấn đề này, PV báo Thời Đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam. Trước câu hỏi đang được nhiều người quan tâm, có nên hợp thức hóa mại dâm và lập “phố đèn đỏ ở các đặc khu kinh tế?” hay không, PGS.TS Lâm Bá Nam chia sẻ: "“Phố đèn đỏ” thực chất là hoạt động mại dâm công khai. Thế nhưng, từ xa xưa ông cha ta không coi đó là một nghề và không thừa nhận mại dâm. Vì thế, cá nhân tôi, ở thời điểm hiện tại chưa ủng hộ việc lập “phố đèn đỏ””.
Ảnh minh họa
Lý giải thêm về vấn đề này, PGS.TS Nam bày tỏ: “Văn hóa Việt Nam có ba giá trị cốt lõi trong xây dựng: Một là gia đình, hai là làng, ba là nước (Quốc gia). Cuộc sống hiện đại ngày nay, giá trị văn hóa xưa có thể bị mai một ở một thời điểm, một số người nhất định, nhưng tôi cho rằng, cái cốt lõi về chuẩn mực văn hóa vẫn còn nguyên vẹn trong tâm thức mỗi người dân Việt. Hợp pháp hóa mại dâm ở đặc khu kinh tế, tôi hiểu các nhà làm chính sách muốn thu hút về mặt du lịch, thu hút đầu tư ở các nền văn hóa khác chúng ta. Nhưng, rõ ràng nếu chúng ta hợp pháp hóa mại dâm thì sẽ có nhiều hệ lụy kéo theo. Mà những hệ lụy đó, chắc chắn, chúng ta khó lường trước được. Khi đã hợp pháp hóa ở các khu vực đó thì tại các đô thị và vùng khác có hợp pháp hóa không? Và, tại khu vực được hợp pháp hóa hoạt động mại dâm đó, chỉ dành cho người nước ngoài hay người Việt cũng đến tham gia được? Ví dụ như Quất Lâm (Nam Định), Đồ Sơn (Hải Phòng)... và nhiều vùng khác, tôi không ủng hộ việc làm du lịch bằng mọi giá”.
Theo PGS.TS Lâm Bá Nam, nếu hợp pháp hóa, mại dâm được coi là một nghề: “Nếu hợp pháp hóa mại dâm thành nghề thì nghề phải được đào tạo, phải mở trường học đi kèm với đó là các hệ thống an sinh xã hội... Như vậy, truyền thống gia đình là cái mà chúng ta đang cố giữ sẽ bị phá vỡ.” Cũng theo PGS.TS Bá Nam, nếu là nghề thì giao cho Bộ nào đào tạo? Bộ Giáo dục và đào tạo làm chủ, chắc chắn không được. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có Tổng cục Dạy nghề, vậy đã có giáo viên, cơ sở vật chất, giáo trình cho việc dạy nghề này chưa? Hơn nữa, ai dám hướng nghề và dạy nghiệp cho đối tượng đặc biệt này đây?
Không cấm, không quản được thì… công nhận thành nghề
Đồng quan điểm, chuyên gia pháp lý Trần Huy Tuấn (Hà Nội) cũng thẳng thắn đưa ra cái nhìn khách quan dưới góc độ của một người nghiên cứu, thực thi và tham gia soạn thảo các dự án Luật.
Ảnh minh họa
Theo chuyên gia Trần Huy Tuấn, một trong những lý do mà nhiều Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia đề nghị và ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm là vì cơ quan nhà nước không thể cấm, cũng như không thể quản lý được nạn mại dâm đang diễn ra. Họ cho rằng, cần xem mại dâm là một vấn đề xã hội chứ không nên xem đó là một tệ nạn, có cấm hoạt động này cũng vẫn tồn tại nên phải hợp pháp hóa để kiểm soát, quy hoạch để dễ dàng quản lý, v.v…“Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, vào thực tế đang diễn ra để thấy thực tế, tệ nạn mại dâm đã và đang diễn ra một cách công khai từ đó sẽ phát hiện ra, pháp luật của chúng ta chưa thật sự nghiêm minh, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Vậy, câu hỏi đặt ra là chúng ta thật sự không làm được, hay chúng ta không làm!? Nếu nói, mại dâm khó kiểm soát nên phải hợp pháp hóa để quản lý dễ dàng hơn thì chúng ta đã mâu thuẫn với chính công cụ điều hành của mình, lại chồng chéo với các quy định của pháp luật, kéo theo hệ lụy phải sửa cả hệ thống pháp luật điều chỉnh”, chuyên gia Tuấn phân tích.
Theo đó, pháp luật của ta được xây dựng trên cơ sở Hiến Pháp, trong khi Hiến Pháp và pháp luật đều hình thành từ quyền con người, nền tảng văn hóa, giá trị đạo đức... Luật pháp là đạo đức tối thiểu, mà đạo đức là pháp luật tối đa. Chúng ta luật hóa một vấn đề xã hội thì cần phải nhìn thẳng vào thực tiễn đời sống và giá trị đạo đức của xã hội, văn hóa của dân tộc. Thuần phong mỹ tục vốn là nét văn hóa riêng biệt, là giá trị nhân phẩm mỗi con người, là sự tôn nghiêm của một quốc gia. Giá trị của con người, đặc biệt là giá trị của người phụ nữ Việt Nam luôn được xã hội đề cao từ ngàn xưa, chúng ta luôn quảng bá giá trị và hình ảnh người phụ nữ Việt ra khắp thế giới là người phụ nữ thùy mị, dịu dàng, công - dung - ngôn - hạnh. Chúng ta phá vỡ nó là tự làm mất đi giá trị cao cả của dân tộc mình. Chúng ta không thể đem giá trị của người phụ nữ để kinh doanh, mua, bán, trao đổi, cho, tặng, môi giới như là một đồ vật. Không có hoạt động kinh doanh nào lại kinh doanh trên xác thịt, chúng ta tự nhục mạ người phụ nữ, mà điều đó là vi hiến, là vi phạm chính Hiến pháp Việt Nam về quyền con người, danh dự, nhân phẩm của con người được bảo vệ.
Theo chuyên gia pháp lý, ở khía cạnh khác, về thực tiễn đời sống, nếu công nhận mại dâm là một nghề nghiệp như bao nghề nghiệp khác là nghề kinh doanh thì cần phải được hướng nghiệp, tập huấn, được đào tạo, được quảng cáo, được thành lập tổ chức quản lý mại dâm, địa chỉ trụ sở, bảng hiệu, bảng tên và đương nhiên nếu được công nhận là một nghề trong luật thì phải có trường đại học, đào tạo sau đại học, có học hàm học vị. Vậy thì chúng ta đang tự làm đảo lộn mọi thứ, đảo lộn giá trị cuộc sống này?
Như vậy, để bàn về một vấn đề nào, phải cần nhìn vào thực tế đời sống, giá trị của con người, giá trị của dân tộc mình. Cần chăm lo cho đời sống người dân nhiều hơn - nhất là đối với người phụ nữ, tuyên truyền pháp luật, giáo dục nhân cách nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến họ, đảm bảo an ninh ninh trật tự, vận mệnh dân tộc mình, hơn là đi tạo ra một điểm nóng làm “bát nháo” dư luận, làm “đảo lộn” xã hội và giá trị đạo đức của con người. Nên nhớ, quyền lợi của con người Việt, bản sắc văn hóa riêng biệt và sự tôn nghiêm của dân tộc mình mới là vĩnh viễn!
Nguyễn Nhung