Hong Kong ‘loay hoay’ tìm cách xử lý khối lượng tiền mặt khổng lồ
Theo ước tính của công ty kiểm toán PwC, với ngân sách vừa được chính quyền Hong Kong công bố vào thứ 4 vừa rồi, Trưởng Đặc khu Hành chính Carrie Lam và Người đứng đầu Cơ quan Tài chính Paul Chan có thể nắm trong tay hơn 168 tỷ đôla Hong Kong (21,5 tỷ USD) còn lại từ năm tài chính 2017-2018 để chi tiêu.
PwC cho biết con số này gấp 10 lần dự báo ban đầu của chính phủ là 16,3 tỷ đôla Hong Kong, chủ yếu đến từ kinh doanh bất động sản, thuế lợi nhuận và thuế đất.
Theo Bloomberg nếu xét theo quý, thặng dư ngân sách của lãnh thổ này đạt 8,6% tổng sản phẩm quốc nội trong quý ba năm 2017, mức cao nhất kể từ năm 1999. Dựa trên số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nếu thặng dư ngân sách của Hong Kong giữ nguyên mức trong suốt năm tài chính, thì nó sẽ đứng ở mức cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
Hong Kong hiện nay có thể so sánh được với New York về sự bất bình đẳng trong thu nhập, và giữa những cuộc tranh luận về thành phố nào mới thực sự là trung tâm tài chính của khu vực, Hong Kong, Thẩm Quyến hay Thượng Hải, thì tin tức về những khoản tiền mặt bội thu này có thể giúp cho Hong Kong dần lấy lại vị thế của mình.
Bà Lam đề cập rằng ngân sách đầu tiên dưới sự lãnh đạo của bà sẽ bao gồm các khoản chi “táo bạo” hơn. Mahamoud Islam, một nhà kinh tế học tại Euler Hermes, nói: “Họ có thể sử dụng các chính sách để hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian dài. Cũng theo ông Islam, khoản tiền trời cho này tạo cơ hội để Hồng Kông tái đầu tư nhằm đối phó với dự báo kinh tế toàn cầu trở nên khó khăn hơn vào năm 2019.
Ông Islam cho rằng Hong Kong có thể dùng khoản tiền đó để đầu tư ngay việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển. Thành phố này cần phải trở thành trung tâm cung cấp nhân tài cho Sáng kiến Một Vành đai một con đường của Trung Quốc, khuyến khích phát triển các chương trình giáo dục nhằm đào tạo ra nhiều kiến trúc sư, kỹ sư, nhà tư vấn và các nhà cung cấp dịch vụ thương mại khác.
Khoản lợi nhuận khổng lồ này cũng sẽ có lợi cho một số người đóng thuế. PwC đề xuất khung thuế tiền lương mở rộng và tăng khoản khấu trừ cho khoản trợ cấp con cái lên tới 20%. Theo Cơ quan Thuế của Hong Kong, chính phủ có thể xem xét miễn thuế đất cho người bản xứ mua nhà lần đầu tiên có trị giá dưới 6 triệu đô la Hồng Kông.
Không cho tiền người dân
Phát biểu với các phóng viên ngày 17/2, ông Chan cảnh báo rằng tuy có “mức thặng dư cao”, nhưng có thể không lớn như các nhà phân tích dự đoán. Ông cũng không đồng ý với đề xuất cho tiền người dân, như đã được thực hiện ở Macao, Singapore, và ở Hong Kong, nơi người dân nhận được khoản trợ giá 6.000 đôla Hong Kong được công bố vào năm 2011.
“Tình hình này có thể không tái diễn, vì vậy chúng tôi phải rất cẩn thận”, ông Chan nói. “Đối với các chiến lược dài hạn, như hoạt động đổi mới và công nghệ là những lĩnh vực mà chúng tôi sẽ xem xét nghiêm túc, vì điều này sẽ giúp nhiều ngành công nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh của mình”.
Ông Chan cho biết chính quyền Hong Kong cũng phải giải ngân thêm để đối phó với tình trạng già hoá dân số, đặc biệt liên quan đến chăm sóc sức khoẻ và nhà ở cho người cao tuổi. Ông nói, các khoản chi ngắn hạn khác sẽ được xem xét trên cơ sở mục tiêu.
Người đứng đầu ngành tài chính cho biết thêm, chính sách thuế của Hong Kong – như mức 15% thuế tiêu chuẩn từ lương – đã rất hợp lý và ông sẽ không xem xét bất kỳ sự cắt giảm thuế toàn diện nào khác, trong khi đó chính quyền sẽ bàn thảo về các chính sách thuế nhằm ổn định và phát triển các ngành kinh tế.
“Chính quyền Hong Kong tỏ ra rất thận trọng,” nhà kinh tế học Islam của Euler Hermes nói.
Ngân Giang (theo Bloomberg)