Hồn nghệ sĩ hòa vào hồn dân tộc
Ảnh Nguyễn Á
>> Lễ viếng GS Trần Văn Khê bắt đầu từ 12 giờ trưa 26.6
>> Giáo sư Trần Văn Khê qua đời
Tôi xin phép không nhận định về sự nghiệp của GS.TS Trần Văn Khê, bởi bản thân tôi - một nghệ sĩ biểu diễn - như nhiều anh chị em nghệ sĩ cải lương khác - chúng tôi nương nhờ bóng mát tỏa ra từ những đại thụ văn hóa dân tộc như NSND Nguyễn Thành Châu, NSND Phùng Há, soạn giả Trần Hữu Trang, NSƯT Kim Cúc... và GS.TS Trần Văn Khê.
Có lẽ, từ cội nguồn xuất thân, lớn lên trong môi trường nghệ thuật cùng khả năng thiên bẩm và đặc biệt là khát vọng và niềm tự hào về một kho tàng văn hóa nghệ thuật của dân tộc mà cuộc đời và sự nghiệp của GS.TS Trần Văn Khê gần như là sự song hành với hành trình phát triển - định hình - truyền bá của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ở đấy, ông theo đuổi, ông tìm tòi, ông sáng tạo, ông gìn giữ bằng tâm hồn mẫn cảm, bằng trí tuệ khoa học, bằng kỳ tài biểu diễn - thị phạm.
Với âm nhạc dân tộc, với nền kịch nghệ Việt Nam, nhất là ca kịch sân khấu, tôi nghĩ GS.TS Trần Văn Khê như một cuốn từ điển. Từ tư liệu lịch sử, câu chuyện và giai thoại về nghề - nghiệp - người cho đến hệ thống mang tính từ chương của mỗi loại hình nghệ thuật, cấu trúc nghệ thuật lẫn kỹ thuật trong sáng tác, biểu diễn, thưởng lãm đều được ông lưu giữ, hệ thống và xâu chuỗi một cách khoa học, kết nối và có tính thuyết phục cao.
Tùy vào cấp độ, nhu cầu tìm hiểu mà bạn sẽ được “từ điển sống” ấy giải mã, cung cấp trữ lượng thông tin và nhất là - sức hút trong diễn đạt, truyền tải của ông - đó là một nghệ thuật. Ông là một “quái kiệt” ở khía cạnh này.
Văn hóa - nghệ thuật là một dòng chảy bất tận. Một trong những đóng góp không nhỏ của GS.TS Trần Văn Khê đối với nền văn hóa nghệ thuật nước nhà là trong những thời điểm ít nhiều còn “bế quan”, thông qua ông (và bây giờ là sự tiếp nối của con trai ông cùng các thế hệ cộng sự - học trò của ông), văn hóa - nghệ thuật Việt Nam đã đến với năm châu, để từ đó họ yêu hơn, cảm mến hơn và hiểu hơn một xứ sở Việt Nam, một tâm hồn và sức mạnh nội sinh của Việt Nam.
Một dân tộc đã trường tồn qua nhiều cuộc kháng chiến vệ quốc, dân tộc ấy không chỉ quả cảm trên chiến trường, chiến lũy, dân tộc ấy thẳm sâu và thấu cảm trong mạch nguồn văn hóa nội sinh.
Đi cùng, sống trọn vẹn với nghệ thuật dân tộc, hẳn ông cũng nhân hậu, phóng khoáng và lạc quan như chính “lý tưởng” mà ông theo đuổi. Với thầy tôi - NSND Phùng Há, ông luôn dành sự kính trọng, yêu thương. Với anh chị em nghệ sĩ cải lương chúng tôi, ông luôn giữ sự trọng thị, sự tưởng thưởng đầy chân thành, nhiệt tâm. Nhiều năm trước, khi tôi thực hiện các chương trình nghệ thuật, ông bao giờ cũng dành những lời ghi nhận đẹp đẽ, những đánh giá xác đáng. Ông ngồi đấy, xem trọn chương trình bằng sự hào hứng, sự tán thưởng, sự nhập tâm. Không ít lần, tôi hạnh phúc và cảm động thật sự vì hình ảnh đẹp đó. Ông trở thành nghệ sĩ của tôi. Tôi mới là khán giả của ông.
Như tôi nói, và cảm nhận, chưa bao giờ ông lại bình yên như lúc này. Bình yên trở về và tịnh dưỡng trong ngôi nhà của chính ông, giữa sự chăm sóc, yêu thương và trân trọng của tất cả mọi người, của gia đình, của học trò, của thành phố.
Chúng ta cùng gửi đến ông một tình yêu và lời cầu nguyện trong trẻo, an nhiên.
Xin gửi đến ông khúc ca ngâm của đời ca kỷ:
“Thoáng dư âm nghe rung cảm tâm tư, hồn nghệ sĩ đã hòa vào hồn dân tộc.
Kể từ đó trong vườn hoa âm nhạc, mà ta nay so dây dạo lại cung đàn
Trỗi bài dù hò xự xê xang
Trăng thu dạ khúc hỡi bạn vàng tri âm...”
(Trăng thu dạ khúc - Hải Đăng).
NSND.TS Bạch Tuyết - Người Đô Thị
>> Lễ viếng GS Trần Văn Khê bắt đầu từ 12 giờ trưa 26.6
>> Giáo sư Trần Văn Khê qua đời