Hơn 40 di dân "chết khát" trên đường băng qua sa mạc Sahara
Một đoàn xe chở người di cư vượt sa mạc Sahara. (Ảnh: AFP)
Theo ông Lawal Taher, quan chức Hội Chữ thập đỏ Niger, chỉ có 6 người sống sót và đều là phụ nữ. Họ đã cố gắng đi bộ tới được một ngôi làng xa xôi và hiện được chăm sóc tại Dirkou (Niger). Trong số những người cùng đoàn thiệt mạng, có một số nạn nhân là trẻ em - các nhân chứng kể lại.
Ông Bachir Manzo, một quan chức địa phương ở Dirkou nói rằng hầu hết những người thiệt mạng là công dân Ghana. Theo ông này, trong số các nạn nhân, có 3 trẻ sơ sinh, 2 trẻ nhỏ và 17 phụ nữ.
Trang tin Sahelien (Nigeria) cho biết: đoàn người, bao gồm các công dân Ghana và Nigeria, đã gặp nạn khi trên đường tới Libya. Cho đến nay, vẫn chưa có bất cứ cá nhân hay tổ chức nào tới hiện trường vụ việc để xác định số lượng và danh tính các thi thể.
Địa danh Dirkou trên bản đồ. (Ảnh: BBC)
Vụ việc đau lòng được phát hiện chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Nhóm 7 nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Đề xuất này được ông Issoufou đưa ra tại một cuộc họp ở Taormina, Sicily (Italia).
Tuyến đường nối Niger tới Libya là một trong những cách mà người di cư thường dùng để tới Bắc Phi, trước khi vượt biển Địa Trung Hải nhằm đến được châu Âu. Mỗi năm, có hàng chục nghìn người vượt sa mạc Sahara để tới Libya, rồi tiếp tục hành trình trên biển.
Tuy nhiên, việc băng qua sa mạc Sahara là một trong những phần nguy hiểm nhất, vì mỗi chiếc xe tải chỉ đủ chỗ mang theo một vài lít nước cho mỗi hành khách. Nhiều di dân chết đuối ở Địa Trung Hải, nhưng có lẽ số người thiệt mạng khi qua Sahara có thể còn nhiều hơn - hãng tin BBC đánh giá.
Những điều kiện sống cực kỳ khắc nghiệt ở Sahara khiến việc xe hỏng thường đồng nghĩa với án tử dành cho người di cư. Bởi sa mạc này quá rộng lớn, không rõ mỗi năm có bao nhiêu người thiệt mạng. Nhiều nạn nhân tử vong vì khát, trong khi những người khác bị cướp hoặc bị tấn công, sát hại.
Trọng Sang