Hơn 1,2 tỷ trẻ em thế giới đang bị các nguy cơ đe dọa
Bảng xếp hạng "End of Childhood" lần thứ hai của tổ chức từ thiện này cho thấy hơn 1,2 tỷ trẻ em phải đối mặt với một trong các mối đe dọa trên, trong đó có tới 153 triệu em phải đối mặt với cả 3 mối đe dọa.
Theo đó, có khoảng 1 tỷ trẻ em cư trú tại những nước nghèo đói, khoảng 240 triệu em đang sống trong vùng bị ảnh hưởng bởi xung đột và 575 triệu bé gái đang có nguy cơ bị phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới.
Bảng xếp hạng được Save the Children đưa ra trước ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) cũng nhấn mạnh: Dù tình hình trên toàn cầu đã được cải thiện so với năm ngoái, các bước tiến hiện tại là không đủ nhanh. "Vì hoàn cảnh xuất thân và nơi cư trú, những đứa trẻ này có nguy cơ bị cướp đi tuổi thơ và tiềm năng tương lai của chúng".
Cụ thể, theo báo cáo, tình hình của trẻ em thế giới đã được cải thiện ở 95 trong số 175 quốc gia được khảo sát nhưng lại xấu đi tại khoảng 40 nước.
Các quốc gia được Save the Children xếp hạng bởi hệ thống điểm số dựa trên số trẻ em của mỗi nước phải đối mặt với cái chết, suy dinh dưỡng, thiếu giáo dục hoặc bị ép kết hôn, làm mẹ hoặc làm việc.
Lao động trẻ em là một trong những vấn đề nóng trên thế giới. Ảnh Getty Images.
Singapore và Slovenia là 2 nước xếp hạng cao nhất, tiếp đó là Na Uy và Thụy Điển (đồng hạng 3) rồi đến Phần Lan (hạng 5). Ở cuối bảng xếp hạng là Niger cùng với Mali và Cộng hòa Trung Phi. Có tới 8/10 nước xếp cuối thuộc khu vực Tây Phi hoặc Trung Phi.
Save the Children cũng chỉ ra rằng, thứ hạng của mỗi quốc gia không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế cũng như quân sự. Mỹ (hạng 36), Nga (hạng 37) và Trung Quốc (hạng 40) đều xếp dưới các nước Tây Âu.
Dựa trên kết quả khảo sát, Save the Children xác định được 10 xu hướng quan trọng mà theo tổ chức này đòi hỏi các quốc gia phải phối hợp hành động.
Trong đó bao gồm: Gia tăng tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai và tỷ lệ bé gái dưới 18 tuổi kết hôn; khoảng cách ngày càng lớn giữa các nước giàu và nghèo; sụt giảm tỷ lệ sống sót ở vùng cận Sahara châu Phi; lao động trẻ em và những nỗ lực để tăng cường giáo dục trên toàn thế giới bị đình trệ, cũng như số lượng lớn người dân phải rời bỏ nhà cửa trên toàn thế giới.
Tổ chức Save the Children cho biết, cứ mỗi phút lại có 20 người phải rời bỏ nhà cửa do xung đột hoặc khủng bố.
Theo báo cáo hồi tháng hai của tổ chức này, cứ 6 trẻ em thì lại có một em đang sống tại khu vực có xung đột. Trong khi đó, một báo cáo năm 2016 cho thấy cứ 7 giây lại có một bé gái dưới 15 tuổi lập gia đình.
Trọng Sang