Hội thảo quốc tế về biển Đông năm 2016: Dù khó nhưng chắc chắn luật pháp quốc tế sẽ được thực thi
Hơn 20 bài tham luận, hàng chục ý kiến đã đưa ra xoay quanh 3 nội dung chính: Một số khái niệm, quan niệm và yếu tố pháp lý cần hiểu rõ trong việc thực thi các phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện Trung Quốc của Philippin; Những động thái của các nước liên quan đến Biển Đông, nhất là Trung Quốc sau khi Tòa trọng tài phán quyết tranh chấp và Các giải pháp có thể giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế...
Các thực thể nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông không có ý nghĩa gì về chủ quyền
Các học giả trao đổi sâu về các thực thể nhân tạo của Trung Quốc
Các tham luận của GS Erik Franckx, TS Aloysius Llamzon, TS Trần Công Trục; TS Ngô Hữu Phước, ông Bertrand Theodor L. Santos... nhấn mạnh về khái niệm và các quyền chủ quyền của các thực thể trên biển như đảo, đá, bãi ngầm... được hiểu trên thực tế Biển Đông như thế nào. Và theo cách giải thích của tòa án trọng tài quốc tế vừa qua thì Trung Quốc không có quyền chủ quyền trên toàn bộ vùng biển lưỡi bò mà họ tuyên bố. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang vi phạm Luật biển, xâm phạm chủ quyền của một số nước liên quan và hủy hoại môi trường, ảnh hưởng đến tự do đi lại, giao thương trên biển, trên không ở khu vực này. Các học giả cho biết, việc Trung Quốc xây dựng, tôn tạo, làm biến dạng hiện trạng biển Đông cũng như xây dựng các đảo nhân tạo và các công trình kiên cố là rất nghiêm trọng. Hiện diện tích này của Trung Quốc đã tăng gấp 20 lần diện tích các thực thể tự nhiên trên biển Đông mà nước này đang chiến giữ... Tuy nhiên, theo các quy định quốc tế về chủ quyền trên biển thì tất cả những công trình này không có ý nghĩa gì trong việc xác định chủ quyền trên biển.
Phán quyết của Tòa có thể được tuân thủ dần dần
Học giả trong nước và quốc tế trao đổi bên lề Hội thảo
Phiên thứ 3 được cho là phiên thu hút nhiều học giả nhất, tập trung vào vấn đề phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là phiên thu hút được đông đảo các ý kiến của các nhà nghiên cứu, học giả. Có tới 12 ý kiến tham gia thảo luận tại phiên này. Các học giả cơ bản nhận định rằng: phán quyết của tòa trọng tài quốc tế vừa qua là một thắng lợi lớn của tính nghiêm minh của luật pháp quốc tế. Đây cũng là sự cổ vũ lớn cho các quốc gia đang có tranh chấp trên biển Đông có thêm niềm tin vào công lý từ những định chế quốc tế để có thể dựa vào đó đấu tranh bảo vệ quyền lợ của quốc gia mình. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng dự đoán rằng Trung Quốc không dễ dàng chấp thuận cũng như chấp hành thực thi các phán quyết của Tòa. Các nước liên quan cũng như đông đảo những người mong muốn phán quyết của Tòa được bảo vệ có thể hi vọng rằng, trước sức ép của dư luận nhằm bảo vệ công lý trên toàn thế giới cũng như sự đấu tranh mạnh mẽ hơn của các quốc gia bị xâm phạm quyền lợi, cộng với sự tự nhận thức trong chính dư luận Trung Quốc thì quốc gia này có thể điều chỉnh chính sách dần dần để đạt đến kết quả của phán quyết tại Tòa. Đây cũng là hình thức chấp hành phán quyết của các định chế quốc tế về những vụ kiện liên quan đến chủ quyền giữa các quốc gia đã xảy ra trước đây. Tức là, nước lớn thua kiện thường không thừa nhận công khai nhưng cũng không thể chống lại được công lý và dư luận trong và ngoài nước.
Về phần giải pháp nhằm giải quyết những tranh chấp trên biển Đông bằng luật pháp quốc tế và không khí hòa bình, đa số các học giả cho rằng, các quốc gia liên quan cần bám sát, trung thành và tích cực thực hiện các định chế, công ước, luật pháp quốc tế trong lĩnh vực này. Xu hướng quốc tế hóa các vấn đề biển Đông là khó tránh khỏi, cho dù các quốc gia trong cuộc muốn hay không. Lý do, Trung Quốc phớt lờ các quyền lợi, quan điểm của các quốc gia xung quanh cũng như dư luận và luật pháp quốc tế. Trong khi đó, quyền lợi trên biển Đông của rất nhiều quốc gia trên thế giới nên họ không thể đứng ngoài cuộc. Và vì vậy những quốc gia này cần đoàn kết để bảo vệ công lý, nhất là các nước ASEAN.
Phạm Nguyễn