Hội nghị giáo dục Việt - Nga: chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ học sinh, sinh viên
Đa dạng hợp tác giáo dục Việt - Nga
Tham dự hội nghị có ông Vladimir Murashkin, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội; ông Andrey Borodenko, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga; cùng đại diện các trường đại học Việt Nam và Liên bang Nga.
Tại hội nghị, hai bên đã thảo luận về những vấn đề cấp thiết trong lĩnh vực giáo dục, tiềm năng hợp tác giữa các trường đại học hai nước, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong công tác định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng và đa dạng, hợp tác giáo dục Việt - Nga không chỉ là cầu nối văn hóa, mà còn là động lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho hai quốc gia.
Các đại biểu tại hội nghị. (Ảnh: Bạch Dương) |
Năm 2024, Việt Nam và Liên bang Nga đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục như: dự án “Tiếng Nga ở Việt Nam: Đối thoại các nền văn hóa”, “Các trường Đại học Nga” tại Việt Nam, Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Việt - Nga, Hội thảo "Tiếng Nga tại châu Á"... Đặc biệt, Chính phủ Nga tiếp tục đẩy mạnh chương trình cấp 1.000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam, mở ra cơ hội học tập và nghiên cứu tại các trường đại học hàng đầu của Nga. Nhiều sinh viên Nga cũng sang Việt Nam học tập và tham gia các chương trình trao đổi văn hóa tại các trường: Đại học Ngoại ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn...
Việc hợp tác giáo dục không chỉ giúp sinh viên Việt Nam tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, mà còn thể hiện sự hỗ trợ từ phía Nga trong công tác đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Giáo dục thông quá Nghệ thuật - mô hình độc đáo
Một mô hình độc đáo được giới thiệu tại hội nghị là “giáo dục thông qua nghệ thuật”, do Đại học Nhân văn Quốc gia Liên bang Nga triển khai. Theo bà Natalia Pakhomova, đại diện của trường, nghệ thuật không chỉ là công cụ khám phá văn hóa và lịch sử mà còn giúp sinh viên kết nối cảm xúc cá nhân với những giá trị nhân văn.
Thông qua các hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế tại các bảo tàng và di tích, sinh viên có thể phát triển tư duy sáng tạo, khám phá tiềm năng bản thân, từ đó xác định ngành học phù hợp.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Bạch Dương) |
Đối tác chính của Đại học Nhân văn Quốc gia Liên bang Nga trong định hướng “giáo dục thông qua nghệ thuật” là Bảo tàng Quốc gia Pushkin. Vào tháng 6/1997, Bảo tàng Giáo dục Nghệ thuật Tsvetaev (chi nhánh của Bảo tàng Quốc gia Pushkin) đã được thành lập tại Đại học Nhân văn Quốc gia Nga. Nơi này đã trở thành không gian học tập với hơn 750 bản sao hiện vật, di tích từ thời Ai Cập, Hy Lạp cổ đại đến thời Trung cổ. Đây không chỉ là địa điểm nghiên cứu mà còn là nơi truyền cảm hứng, giúp học sinh, sinh viên hình thành định hướng nghề nghiệp, bước đầu tìm hiểu môi trường học tập tại Đại học Nhân văn Quốc gia Nga.
Hướng nghiệp - chìa khóa giải quyết bài toán nhân lực
Bà Akhmedova Egana Akif Kyzy, đại diện trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia vùng sông Đông, nhấn mạnh rằng định hướng nghề nghiệp sớm là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực. Hiện nay, việc mất cân bằng về nhân sự trong bộ máy nhà nước đang là vấn đề lớn của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo bà Akhmedova Egana Akif Kyzy, việc mất cân bằng trong cơ cấu lao động, như thiếu hụt hoặc thừa thãi nhân lực ở một số lĩnh vực, bắt nguồn từ việc thiếu chú trọng công tác hướng nghiệp sớm.
Việc hướng nghiệp cho trẻ em nên được thực hiện trong giai đoạn từ lớp 9 - 10. Các bạn trẻ thường có xu hướng mắc sai lầm do thiếu những thông tin cần thiết và sự hiểu biết về nhu cầu của xã hội, thị trường. Hệ quả là xã hội, nhà nước thiếu nhân lực có chuyên môn cao ở một số ngành nghề.
Trước tình hình đó, trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia vùng sông Đông đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để triển khai thí điểm các chương trình hướng nghiệp cho học sinh, bắt đầu từ độ tuổi mẫu giáo đến sinh viên đại học, nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về sở thích, nhu cầu của xã hội và xác định ngành nghề phù hợp.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Bạch Dương) |
Về phía đại diện Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị, đánh giá cao chất lượng đào tạo của các trường đại học Nga. Trong số các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp từ Nga, nhiều người đã thành công trong nghề, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, có một số trường hợp sinh viên tốt nghiệp về nước chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của thị trường. Vì vậy, ông Xuân Sơn đề nghị phía Nga có thêm các chính sách để đảm bảo kết quả thực chất hơn nữa. Hai bên cũng nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên được thực tập, làm việc tại môi trường thực tế để có thêm kinh nghiệm và góc nhìn toàn diện nhất về chuyên ngành của mình. Các trường đại học Nga cũng khẳng định luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Việt Nam trong công tác hướng nghiệp.
Hội nghị lần này không chỉ là diễn đàn trao đổi chuyên môn mà còn là minh chứng cho quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực giáo dục. Thế hệ trẻ hai nước đang có thêm nhiều cơ hội để phát triển toàn diện, hướng tới những thành công bền vững trong tương lai.