Học sinh thế giới xuống đường tuần hành kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu
Xuất hiện nhiều biểu ngữ phản đối các chính sách ảnh hưởng tới môi trường của Chính phủ Australia hiện nay. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Linh/TTXVN)
Đây là một phần của phong trào được biết với những cái tên như "biểu tình vì khí hậu", "nghỉ học vì khí hậu", hay "thứ 6 cho tương lai", được học sinh trên gần 100 quốc gia như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ, Hong Kong (Trung Quốc) và Thái Lan hưởng ứng.
Tại Australia, hơn 10.000 học sinh đã tập trung trung tại hơn 55 địa điểm trên cả nước để cùng tham gia cuộc tuần hành nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới các nhà chính trị rằng biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng vì vậy các nhà chính trị cần phải có những hành động quyết liệt để hạn chế tác động của tình trạng này.
Gần 12 giờ (theo giờ địa phương), các con đường của khu trung tâm thành phố Sydney đã bị hạn chế đi lại. Nhiều tuyến xe buýt phải thay đổi lịch trình, trong khi một đám đông lớn học sinh và sinh viên từ mọi khu vực, tập trung tại quảng trường Tòa Thị chính, bắt đầu chương trình kêu gọi bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Các em cùng chuyền tay nhau tung hứng một quả bóng hình Trái Đất xung quanh quảng trường và hô tô "Đóng cửa mỏ than Adani tại bang Queensland" và "Hãy hành động vì môi trường ngay bây giờ."
Diễn ra trước cuộc bầu cử bang New South Wales và cuộc tổng tuyển cử tại Australia, cuộc tuần hành được cho là hành động mạnh mẽ của sinh viên, học sinh nước này nhằm gây sức ép buộc các nhà chính trị phải vào cuộc.
Có 3 thông điệp mà các em học sinh muốn chuyển đến các nhà chính trị trong cuộc tuần hành. Đó là cam kết đảm bảo sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030; không đầu tư thêm vào các mỏ than hay gaz mới và đồng thời đóng cửa các mỏ than của Tập đoàn Adani tại bang Queensland.
Thanh niên tham gia biểu tình kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu tại thành phố Bruxelles. (Ảnh: AP/Francisco Seco)
Zac Gillies Palmer thuộc Phong trào thanh niên bang New South Wales chia sẻ lý do tham gia biểu tình: “Tôi tham gia cuộc biểu tình để thể hiện sự ủng hộ các bạn học sinh nghỉ học tham gia cuộc tuần hành và cũng là để gửi thông điệp đến chính phủ rằng cần phải có những hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng tôi đồng thời cũng thể hiện sự đoàn kết với cộng đồng những người làm việc tại các mỏ than. Chúng tôi rất muốn các bạn và con cháu các bạn được quan tâm. Cộng đồng chúng ta sẽ có tương lai tươi sáng trong một nền kinh tế các-bon thấp”.
Trong khi đó, Jack Howard, 18 tuổi và Joseph Naffah, 15 tuổi, đến từ trường Glenaeon Steiner tại khu vực Middle Cove, cho rằng tiếng nói của các em đã bị các nhà chính trị gia “phớt lờ.”
Suốt 3 tiếng đồng hồ diễn ra sự kiện, nhiều nhà hoạt động thiếu niên đã liên tục diễn thuyết và nhận được sự đồng cảm, hưởng ứng vang dội của đám đông những người tham dự.
Tương tự ở Sydney, tại các thành phố Melbourn, Geelong thuộc bang Victoria; Cairns, Townsville ở bang Queensland; thủ đô Canberra, hàng chục nghìn học sinh cũng đã tập trung tại các khu vực công cộng để kêu gọi chính phủ tập trung hành động vì môi trường.
Học sinh Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: Twitter)
Trong khi đó tại Hong Kong (Trung Quốc), khoảng 600 học sinh theo học các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đã bãi khóa, tham gia vào cuộc tuần hành trên phạm toàn cầu kêu gọi giới chức hành động bảo vệ môi trường.
Các học sinh đã hô vang khẩu hiệu "Những gì chúng ta muốn? Hành động vì môi trường," "Trái Đất không thuộc về chúng ta, chúng ta thuộc về Trái Đất"...
Tại Rome, hàng ngàn sinh viên bắt đầu cuộc biểu tình của họ tại Đấu trường Colosseum trước khi diễu hành qua trung tâm của thành phố lịch sử. Hơn 10.000 người đã diễu hành qua Lausanne, Thụy Sĩ và thêm hàng ngàn người khác qua Zurich.
Khoảng 60 sinh viên đã biểu tình tại tòa nhà chính phủ ở Bangkok, cầm các khẩu hiệu để vận động giảm thiểu chất thải nhựa. Thái Lan là một trong những nước thải rác nhựa xuống biển nhiều nhất thế giới.
"Chính những người trẻ chúng tôi sẽ thừa kế Trái đất, nên chúng tôi tập trung tại đây để yêu cầu chính phủ hợp tác để giải quyết những vấn đề này", Thiti Usanakul, 17 tuổi, thuộc Grin Green International, một nhóm do sinh viên lập nên nói.
Học sinh Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Daniel Hurst)
Tại Seoul (Hàn Quốc), hơn 100 sinh viên đã cầm các banner tái chế với các khẩu hiệu như "Quá ấm (lên) để đến trường" và "Đừng phủ nhận thay đổi khí hậu".
Năm 2018, cuộc vận động dừng chân tại các thành phố lớn ở Australia, đến năm nay đã lan ra nhiều nơi trên toàn cầu. Là một phần của một phong trào thế giới, được biết đến chủ yếu với tên #climatestrike, #schoolstrike4climate, #FridaysforFuture, có khoảng 1.500 phong trào của học sinh được lên kế hoạch khắp 100 quốc gia trong ngày 15/3, theo The Guardian.
Bộ trưởng Giáo dục Australia Dan Tehan nói với các học sinh là họ nên biểu tình “sau giờ học”. “Sẽ không ai ngăn các em làm điều đó. Thông điệp của chúng tôi tới tất cả học sinh rất to và rõ ràng”. Ông cho biết không khuyến khích các học sinh nghỉ học đi biểu tình.
Ngày học sinh, sinh viên bãi khóa vì khí hậu đã được Greta Thunberg, một nữ sinh 16 tuổi người Thụy Điển, khởi xướng. Cách đây 6 tháng, cô bé Greta đã cắm trại bên ngoài trụ sở Quốc hội Thụy Điển cùng một tấm bảng viết tay "Bãi khóa vì khí hậu." Kể từ đó, Greta đã đi khắp thế giới, tạo ra một làn sóng những người trẻ tuổi thất vọng vì tiến độ chậm chạp của "những người trưởng thành" trong việc ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.
Ngày 14/3, ba nhà lập pháp Na Uy đã đề cử Greta cho giải Nobel Hòa bình 2019./.
Mai Anh (t/h)