Hoan nghênh Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Đó là khẳng định của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trong buổi họp báo thường kỳ ngày 9/5, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến phiên điều trần của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về việc nâng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
"Đây là một bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam," bà Phạm Thu Hằng cho biết.
Cụ thể, tại phiên điều trần, phía Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường, đồng thời nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường, bà Phạm Thu Hằng thông tin.
Cho đến nay đã có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác.
"Việc Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ và qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước," Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhận định.
Trước đó, đêm 8/5, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tổ chức phiên điều trần thông qua hình thức trực tuyến liên quan đến xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Tham gia phiên điều trần có đại diện Chính phủ Việt Nam (Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ) và một số bên liên quan đến vụ việc. Các bên liên quan rất hoan nghênh khi DOC đã tổ chức phiên điều trần. Bởi đây là một bước quan trọng trong quá trình xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Tại phiên điều trần này đại diện Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng sáu tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường theo quy định pháp luật Mỹ. Đồng thời nhấn mạnh việc nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn phát triển vượt bậc hơn so với nhiều nền kinh tế đã được Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường trong thập niên qua.
Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại Mỹ - Việt Nam tăng gần 300 lần, đạt gần 111 tỷ USD đến cuối 2023. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm, Mỹ tiếp tục giữ vị trí này, với kim ngạch trên 34 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Về nhập khẩu, nước này cũng nằm trong nhóm thị trường hàng đầu, với 4,5 tỷ USD tính tới hết tháng 4.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam cũng đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, khoảng 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Việt Nam cũng là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do (FTAs) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế.