Hỗ trợ nạn nhân nạn mua bán người trở về tái hòa nhập cộng đồng
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức vẫn là biện pháp quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán người |
Để nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, ngày 12/8/2016, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định 1057/QĐ-LĐTBXH. Qua đó, tạo điều kiện cho nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cơ bản, hòa nhập cộng đồng; đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân, thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Tuy nhiên, phản ánh từ các địa phương cho thấy, việc giúp nạn nhân mua bán người tái hòa nhập gặp không ít thách thức.
Các chương trình, dự án chưa mang tính bền vững
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều nội dung thiết thực hỗ trợ nạn nhân được thực hiện như: gắn với công tác tiếp nhận, hỗ trợ tại Trung tâm Nhà tạm lánh, tạm trú; lồng ghép với các chương trình hoạt động của địa phương (dạy nghề, cho vay vốn xóa đói giảm nghèo; truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng sống... Ở một số địa phương, các tổ chức quốc tế đã có gói hỗ trợ trị giá từ khoảng từ 300 đến 500 USD cho các trường hợp nạn nhân trở về có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, các chương trình, dự án được triển khai tại nhiều địa phương không mang tính bền vững khi mà thời gian triển khai dự án ngắn, đối tượng hưởng lợi bị hạn chế. Khi dự án kết thúc thì các đối tượng không thể tự lập cho cuộc sống của mình. Hoặc có những chương trình như đào tạo nghề lại chưa xem xét tới yếu tố phù hợp của nghề đào tạo với điều kiện thực tế của địa phương, nên học viên sau khi được đào tạo cũng không thể vận dụng để sinh sống. Hơn nữa, nạn nhân bị buôn bán chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thái độ, kiến thức và hành vi của cộng đồng đối với họ. Chính vì thế, nếu chỉ tập trung vào nạn nhân mà không có những hoạt động tác động vào cộng đồng nơi nạn nhân sinh sống thì khả năng nạn nhân tiếp tục bị buôn bán hoặc rời bỏ cộng đồng là rất cao.
Ông Lê Minh Sơn, Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh cho biết: tỉnh Quảng Ninh xác định công tác xác minh, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về là một hoạt động quan trọng, góp phần giảm bớt nỗi đau cho các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời, đây là bước đầu tiên trong quá trình hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Đa số nạn nhân bị mua bán trở về đều bị tổn thương nặng nề cả thể chất lẫn tinh thần. Sức khỏe họ giảm sút do bị ép buộc lao động quá sức, bị đánh đập, tra tấn, bị giam giữ, bị bóc lột tình dục... Không chỉ nạn nhân mà ngay cả gia đình, người thân cũng chịu nhiều hậu quả của tội phạm mua bán người. 100% các trường hợp là nạn nhân bị mua bán được tiếp nhận, giải cứu trở về đều được hưởng đầy đủ các chế độ và hỗ trợ đúng quy định (nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; y tế; miễn, giảm học phí, chi phí hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu…). Các nạn nhân sau khi trở về được chính quyền cơ sở nơi cư trú phối hợp cùng ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ, theo dõi và tạo điều kiện thuận lợi để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Nạn nhân của mua bán người thường phải trải qua tình trạng bị cưỡng bức, bị tra tấn, nợ nần, bị giam cầm bất hợp pháp, bị bạo lực về thể chất, tình dục và tâm lý, ngay cả người thân trong gia đình cũng bị đe dọa. Hậu quả là nạn nhân phải hứng chịu những tổn thương về sức khỏe và tâm lý nặng nề, có những trường hợp dẫn đến cái chết. Đối với những nạn nhân may mắn được trở về địa phương, việc tái hòa nhập của họ cũng gặp muôn vàn khó khăn.
Rất nhiều người còn gặp vấn đề như thiếu việc làm do không tìm được công việc phù hợp ở địa phương hoặc do tình trạng sức khỏe yếu, mất đất sản xuất, thiếu chỗ ở, bị bệnh tật, hoặc gặp các khó khăn khác như thiếu giấy tờ tùy thân, gia đình không ổn định...
Khi tình hình mua bán người vẫn diễn biến phức tạp và những nạn nhân trở về vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần tới sự trợ giúp, thì sự có mặt của những mô hình hỗ trợ tại cộng đồng là thật sự cần thiết, mang nhiều ý nghĩa lớn. Với các chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng, chống mua bán người đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, hy vọng, ngày càng có nhiều mô hình nhà tạm lánh, tạm trú tại cộng đồng với đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp để có nhiều nạn nhân bị mua bán nhận được sự hỗ trợ cần thiết, có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.
Ảnh minh hoa |
Cần sửa đổi, bổ sung các chính sách
Một trong những nguyên nhân khiến công tác hỗ trợ nạn nhân mua bán tái hòa nhập, theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, là do tình hình mua bán người ngày càng gia tăng cả về số vụ và số nạn nhân; nhiều vấn đề trong lĩnh vực này đã vượt xa chính sách hiện hành. Nếu như trước đây, mua bán người chỉ xảy ra ở các tỉnh biên giới, liên quan chủ yếu đến phụ nữ và trẻ em, thì hiện nay, tình trạng mua bán người xảy ra trên phạm vi cả nước, thông qua các dịch vụ về xuất khẩu lao động, di cư lao động tự do, du lịch, môi giới hôn nhân… Không chỉ mua bán phụ nữ, trẻ em với mục đích cưỡng bức lao động, làm thuê, mại dâm, làm vợ, nô lệ tình dục, các nhóm tội phạm còn mua bán cả thai nhi, sinh con hộ, mua bán các bộ phận trên cơ thể người…
Để làm tốt công tác phòng, chống tội phạm nói chung, công tác phòng, chống mua bán người nói riêng, đặc biệt là việc hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về được học nghề, có việc làm ổn định, giúp họ tránh những mặc cảm và dễ hòa nhập cộng đồng, ý kiến của các địa phương cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung các chính sách. Trong đó, cần có giải pháp cụ thể như mức hỗ trợ ban đầu phù hợp để tạo điều kiện cho nạn nhân có thể tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Bên cạnh đó, tiến hành tổng kết các mô hình phòng, chống mua bán người, nhất là mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người đạt kết quả tốt và chỉ đạo hướng dẫn việc nhân rộng các mô hình trên. “Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu ban hành quyết định phê duyệt khung định mức kinh tế - kỹ thuật về xây dựng mô hình hỗ trợ nạn nhân để các tỉnh, thành phố có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các tỉnh, thành phố về công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân” - đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng kiến nghị.
Liên quan đến việc tăng cường nguồn lực cho công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người. Theo đó, nội dung đáng chú ý nhất là sẽ hỗ trợ học văn hóa, học nghề: Trường hợp nạn nhân học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Chi hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú mức tối thiểu là 1 triệu đồng/người.