Hình tượng gà, lợn trong tranh dân gian Đông Hồ
Tranh Đông Hồ có hai loại theo cách gọi dân gian, loại bán quanh năm là tranh thờ (tranh phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng). Loại bán vào dịp Tết gọi là tranh Tết, tranh Tết còn gọi là tranh chúc tụng. Tranh Tết gồm có nhiều bức khác nhau như: Vinh hoa, phú quý, em bé ôm cá, ôm tôm, ôm cóc, em bé cưỡi trâu thổi sáo, cưỡi trâu thả diều, hội đu, bịt mắt bắt dê, đấu vật, rước lân, múa rồng, rước trống, dựng nêu đốt pháo, tấn tài tấn lộc, hứng dừa, đánh ghen, đám cưới chuột... Nhưng chỉ với hình tượng con gà, con lợn đã cho người xem thấy rất thú vị và nhiều ý nghĩa.
Người xưa quan niệm con gà trống biểu tượng cho năm đức tính tốt của người quân tử, gồm: Văn, võ, dũng, nhân, tín. Văn thể hiện ở cái mào đỏ, tựa như chiếc mũ cánh chuồn. Võ thể hiện ở đôi chân, có cựa, móng sắc nhọn. Khi thấy địch thủ, gà trống dũng cảm lao vào giao chiến quyết liệt thể hiện đức tính dũng mãnh. Nhân là khi kiếm được mồi, bao giờ gà trống cũng gọi những con gà cùng đàn đến cùng ăn, không bao giờ nó ăn một mình. Tín là hàng ngày gà gáy sang canh rất đúng giờ báo cho mọi người biết, vì vậy tranh gà được nhiều người ưa chuộng.
Tranh Đông Hồ đàn gà con cầu chúc cho sự sung túc, đông con và an nhàn. |
Bức tranh Gà đàn mô tả một con gà mẹ với mười chú gà con, mỗi chú gà một dáng vẻ, con nào cũng nhanh nhẹn, tinh nghịch. Con thì đang rỉa lông rỉa cánh, con đang nằm trên lưng gà mẹ, có con lại dỏng cổ khi nghe tiếng gọi cục cục của gà mẹ.
Tranh gà đàn thể hiện mong ước “con đàn cháu đống”, gia đình đông vui, hạnh phúc. Bức tranh Thư hùng, vẽ một “gia đình” gà, gồm gà trống, gà mái và đàn gà con. Gà mái được bố cục theo đường xoắn ốc, tạo nên sự mềm mại. Gà trống được đặt trong một hình thang ngược, đáy lớn nằm trên tạo tư thế che trở cho gà mái và đàn con. Bên cạnh có dòng chữ Nôm “lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông”, dòng chữ là một lời vịnh giản dị, bởi người xưa cho rằng gia đình nào đông con nhiều cháu tức là nhà ấy được tổ tiên ban cho phúc ấm.
Bức tranh Gà chọi có nét khắc chắc khỏe nhưng lại rất mềm mại, thanh thoát mà uyển chuyển. Nếu loại trừ đi tính chất cờ bạc được thua, thì chơi gà chọi mang tính nuôi dưỡng tinh thần thượng võ. Nói về tranh gà, không thể không nhắc tới bức tranh “Vinh hoa”, vẽ một em bé trai ôm gà trống. Hai chữ vinh hoa đã nói lên mơ ước về một tương lai tươi sáng sẽ đến với mỗi gia đình. Em bé có hình thể bụ bẫm, bố cục cân đối, hài hòa, đường nét mềm dẻo, linh hoạt.
Trong sưu tập tranh dân gian Đông Hồ có khá nhiều các bức tranh vẽ gà, tiêu biểu phải kể đến các bức Đại cát, Dạ xướng, Gà trống và hoa hồng, Gà đàn, Thư hùng và Gà chọi. Bức tranh Đại cát mô tả một chú gà trống đang đứng trong tư thế rất hùng dũng. Tiếng Hán “đại kê” (gà trống) gần nghĩa với chữ “đại cát”. “Cát” tức điềm lành, đối với chữ “cát” là chữ “hung”, tức điềm dữ. Tranh Đại cát nói lên ước muốn của người dân luôn gặp được điều tốt lành trong cuộc sống. Bức tranh Dạ xướng vẽ một con gà trống đứng co một chân (Kim kê độc lập), tư thế gần giống gà đại cát, những nét vẽ mào, cánh, đuôi gà... được vẽ cách điệu, rất hào sảng, khỏe khoắn và hài hòa. Bên cạnh có chữ “Dạ xướng ngũ canh hoà” (Đêm gáy năm canh đều đặn).
Tiếng gà gáy được ví như một cái đồng hồ nhắc nhở thời gian, người xưa còn quan niệm tiếng gà gáy làm cho ma, quỷ sợ mà không dám lai vãng, mang tới điều may mắn. Bức tranh Gà trống và hoa hồng vẽ một con gà dáng đứng oai phong, một chân xoạc ra chắc nịch, chân kia bám vào tảng đá, cổ vươn lên như sắp gáy.
Đàn lợn âm - dương (tranh Đông Hồ). |
Tranh lợn là mơ ước của người dân về cuộc sống no đủ, sung mãn, phồn thực. Gồm các bức Lợn độc, Lợn đàn, Lợn ăn lá dáy… Đây là những bức tranh có bố cục, mầu sắc, đường nét hài hòa, cân đối. Bức Lợn độc được bố cục chặt chẽ, lợn đầu to, tai lớn, mắt tỉa lông mi cong, dài, mõm có ba nét nhấn, vừa tả thực lại vừa giàu chất trang trí, hội đủ các tiêu chuẩn “mõm gầu giai, tai lá mít, đít lồng bàn”. Lợn đàn, mô tả một con lợn nái và một bầy lợn con. Nét khắc to, đậm, giản dị mà cô đọng diễn tả thân mình lợn rất mềm mại, nhịp nhàng. Các vòng xoáy âm dương trên thân lợn vừa có tác dụng làm các mảng màu đỡ nặng, vừa tạo nên hình dáng sinh động hơn lại vừa tăng thêm sự hài hòa, ẩn chứa quan niệm về ngũ hành… Bầy lợn con ôm ấp quân quần quanh lợn mẹ thể hiện sự sinh sôi, nảy nở, mong ước đông đàn dài lũ… Bức tranh Lợn ăn lá dáy với các mảng màu to, đường nét chắc khỏe, cân đối, khoáy âm dương thể hiện sự hoà hợp quy luật của tự nhiên.
Tranh dân gian Đông Hồ vẽ gà, lợn nhưng không hề có ý định mô tả con gà, con lợn nào cụ thể sao cho giống như thật cả. Vẽ gà, vẽ lợn nhưng kỳ thực nghệ nhân dân gian Đông Hồ muốn nói lên mơ ước của con người về một cuộc sống sung túc, no đủ. Cầu mong cho con đàn cháu đống, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh, tốt con người, tươi con của, gia đình đoàn tụ, hạnh phúc.
Xưa kia mỗi khi tết đến, xuân về hình như nhà ai cũng mua dăm tờ tranh gà, lợn về dán lên tường, lên vách cho vui cửa, vui nhà. Mầu sắc xanh, đỏ, nâu, vàng… của các bức tranh cũng làm cho không khí tết rộn ràng, ấm áp hơn trong mỗi gia đình, dù có khi chỉ là nhà tranh vách đất. Khi nhớ về quê hương Thuận Thành, trong bài thơ: “Bên kia sông Đuống” nhà thơ Hoàng Cầm ngày xưa đã nhắc đến đến tranh gà, lợn với những câu thơ rất đỗi tha thiết, tự hào:
… “Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Mầu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”…