Hiệp lực chống tham nhũng vì phát triển, hòa bình và an ninh
Sự kiện được tổ chức nhân ngày Quốc tế phòng chống Tham nhũng (09/12) với sự tham gia của hơn 60 đại biểu đến từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, đại sứ quán, các tổ chức quốc tế… Chủ đề của chiến dịch toàn cầu năm nay là hiệp lực chống tham nhũng vì phát triển, hòa bình và an ninh với thông điệp “Tất cả mọi người đều có quyền đứng lên chống lại tham nhũng. Chúng ta cần phải hợp tác, hiệp lực".
Hội nghị đánh giá thứ hai về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng diễn ra tại Hà Nội
Theo một khảo sát của Liên hợp quốc, tham nhũng là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế và xã hội trên thế giới . Mỗi năm một nghìn tỷ đô la được sử dụng để hối lộ trong khi ước tính có khoảng 2,6 nghìn tỉ đô la đang bị đánh cắp hàng năm thông qua tham nhũng - một khoản tiền tương đương với hơn 5% của GDP toàn cầu.
“Chấm dứt vấn nạn tham nhũng đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện. Vấn nạn này chỉ có thể chấm dứt trong một môi trường minh bạch, trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của tất cả mọi người trong xã hội. Chính phủ, các công ty tư nhân, cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức xã hội dân sự và toàn thể người dân cần phối hợp cùng nhau đối phó với tội ác này” - Ông Francesco Checchi, chuyên gia Khu vực UNODC về Phòng chống Tham nhũng phát biểu.
Ông Francesco Checchi, chuyên gia Khu vực UNODC về Phòng chống Tham nhũng
Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) là công cụ chống tham nhũng ràng buộc về mặt pháp lý. UNCAC ghi nhận vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong cuộc chiến chống lại việc vấn nạn tham nhũng không bị trừng phạt bằng cách kêu gọi các chính phủ nâng cao tính minh bạch, tăng cường tiếp cận thông tin đại chúng, và thúc đẩy sự đóng góp của công dân vào trong quá trình ra quyết định của chính phủ.
Việc Việt Nam phê chuẩn UNCAC vào năm 2009 đã mang tới một động lực mới cho những nỗ lực chống tham nhũng. Tăng cường sự tham gia, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là rất quan trọng để giúp Việt Nam kiểm soát tham nhũng tốt hơn trong khi duy trì giai đoạn mới của sự phát triển của một quốc gia thu nhập trung bình (MIC).
“Hội nghị này diễn ra rất đúng thời điểm và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tiến hành xây dựng Báo cáo tự đánh giá việc thực thi UNCAC của mình trong chu trình hai, đồng thời thực hiện cả 4 chương của UNCAC” - Ông Nguyễn Hữu Lộc, Quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Chính phủ cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Lộc phát biểu
Mục tiêu chính của Hội nghị bàn tròn hôm nay là để chuẩn bị cho chu trình đánh giá việc thực thi Chương II và V của UNCAC bằng cách nâng cao nhận thức của các cơ quan chính phủ và các bên liên quan về nội dung của Công ước và quá trình đánh giá Công ước. Sự kiện này tạo điều kiện cho cho các cơ quan chính phủ và các bên liên quan thảo luận, trao đổi về về khoảng trống cũng như các ưu tiên trong việc thực hiện Chương II và V của UNCAC. Bên cạnh đó, hội nghị cũng đưa ra giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của xã hội dân sự trong công tác đánh giá thực thi UNCAC tại Việt Nam.
“Là cơ quan bảo vệ Công ước UNCAC, UNODC hỗ trợ các quốc gia trong đó có Việt Nam thực hiện đầy đủ các khuôn khổ pháp lý cần thiết và các công cụ thiết thực của Công ước. UNODC mong rằng Việt Nam tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của các tổ chức xã hội dân sự, các doanh nghiệp và báo chí trong công tác đánh giá việc thực thi UNCAC, xây dựng và giám sát các chiến lược và việc thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần có cơ chế bảo vệ hiệu quả cho các tổ chức xã hội dân sự và tích cực tham khảo ý kiến và thúc đẩy sự tham gia của họ trên tất cả các lĩnh vực xây dựng, thực thi và giám sát chính sách phòng chống tham nhũng” – ông Checchi nói.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Dự kiến vào buổi chiều cùng ngày, UNODC, Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (World Bank) sẽ tiến hành buổi Giới thiệu sách "Những rào cản trong Công tác Thu hồi Tài sản" và "Cẩm nang về Thu hồi Tài sản”. Hai ấn phẩm này do các chuyên gia quốc tế biên soạn nhằm hỗ trợ các cán bộ thực thi luật, kiểm sát viên, luật sư và các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản thất thoát.
Ấn phẩm thứ nhất đề cập đến những khó khăn trong công tác thu hồi tài sản và được trình bày theo ba nội dung chính: những rào cản chung và các vấn đề về thể chế, những rào cản và yêu cầu về pháp lý làm trì hoãn quá trình tương trợ tư pháp, những rào cản trong quá trình thực thi và những vấn đề liên quan đến cơ chế trao đổi thông tin.
Ấn phẩm thứ hai giới thiệu các bước tiếp cận chung để thu hồi tài sản bị thất thoát tại nước ngoài, định ra các thách thức mà các nhà thực thi pháp luật thường gặp phải, và giới thiệu các thực tiễn tốt. Cả hai ấn phẩm này đã được dịch sang tiếng Việt để các cơ quan đối tác và chuyên gia sử dụng rộng rãi.
An Hoàng