Hãy lấy người bệnh làm trung tâm, nhân viên y tế là then chốt
- Thưa ông, gần đây trong buổi thị sát 3 bệnh viện tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến khía cạnh các bệnh viện cần chủ động trước những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Trên cương vị Thứ trưởng thường trực, ông đánh giá sao về tính chủ động của các bệnh viện hiện nay?
- Trong thời gian qua các bệnh viện luôn chủ động triển khai công tác khám chữa bệnh theo chức năng nhiệm vụ được giao, đồng thời tham gia công tác phòng chống dịch hiệu quả góp phần cứu chữa nhiều bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, làm giảm tỷ lệ chuyển nặng, tử vong trong đó có bệnh sốt xuất huyết, cúm A, COVID-19.... và chuẩn bị sẵn sàng các phương án để điều trị các dịch bệnh mới có khả năng xâm nhập vào nước ta.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thì với sự hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, các bệnh viện hiện nay đã chủ động hơn rất nhiều trong công tác khám, chữa bệnh |
Đối với công tác mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất sinh phẩm và trang thiết bị y tế thì hằng năm các bệnh viện đã chủ động xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hoặc tự thực hiện mua sắm theo phân cấp, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh và phòng chống dịch.
Tuy nhiên từ đầu năm 2023 do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời một số loại vật tư đã hết hạn cấp phép lưu hành và giấy phép nhập khẩu dẫn đến một số loại vật tư không trúng thầu. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế, và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế, các bệnh viện đã triển khai ngay công tác mua sắm phục vụ công tác khám và điều trị bệnh nhân. Đến nay, với sự chủ động của các bệnh viện tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cơ bản đã được khắc phục.
- Những hạn chế về tính chủ động của một số bệnh viện trong thời gian qua, theo ông xuất phát từ những nguyên nhân nào?
-Có một số lý do như sau, thứ nhất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu nên một số nguồn cung bị gián đoạn từ nhà sản xuất. Hàng hoá thì chủ yếu là nhập khẩu, nhu cầu sử dụng lại tăng dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng của nhà sản xuất và khiến giá thành sản phẩm tăng.
Thứ hai do dịch bệnh dịch diễn biến phức tạp, khó lường khiến số lượng bệnh nhân tăng nhanh, số lượng thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm tăng từ 10 - 100 lần số lượng sử dụng thường quy. Điều đó dẫn tới việc không thể đáp ứng ngay lập tức theo nhu cầu khám chữa bệnh hàng ngày do cần tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định. Đồng thời trong giai đoạn này các nhà cung ứng không đảm bảo số lượng có thể cung ứng theo nhu cầu thực tế.
- Trong thời gian qua, thực tế này đã dẫn đến những lúng túng, thậm chí bế tắc trong quản lý, điều hành tại một số cơ sở khám chữa bệnh. Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã có những hỗ trợ thiết thực nào về cơ chế, chính sách thưa ông?
-Về sự lúng túng trong quản lý, điều hành tại một số cơ sở khám chữa bệnh là do: thứ nhất hệ thống hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực y tế vẫn còn những bất cập nhất định, đặc biệt là những bất cập liên quan đến mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, sử dụng tài sản công. Do đó các bệnh viện rất khó để chủ động trong việc thực hiện.
Thứ hai, các bệnh viện còn khó khăn trong việc xác định giá gói thầu. Nguyên nhân của tình trạng là này do chưa được tiếp cận với giá hải quan và hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định mối quan hệ giữa giá bán và giá nhập khẩu.
Trước những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn để các bệnh viện vận dụng linh hoạt các quy định hiện hành như Luật đấu thầu 2013 số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Các Nghị quyết của Chính phủ; Thông tư 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế quy định về nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập…
Cùng với đó, các vụ, cục chức năng của Bộ Y tế cũng chủ động tập trung phân tích nguyên nhân, đề xuất hướng giải quyết, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể để có những hỗ trợ thiết thực về cơ chế, chính sách như tham mưu trình Quốc hội ban hành: Luật Khám chữa bệnh sửa đổi năm 2023; Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 06/08/2021 về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15; Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024.
Ngoài ra Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế.
Bộ Y tế cũng ban hành các Thông tư số 06/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2019/TT-BYT đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập; Thông tư 08/2023/TT-BYT ngày 14/4/2023 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành (Thông tư số 03/2016/TT-BYT ngày 21/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hoạt động kinh doanh dược liệu; Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập).
- Là người trưởng thành trong ngành y tế từ cơ sở, thưa ông, từ kinh nghiệm bản thân ông có những lời khuyên gì với những người làm công tác tham mưu cũng như quản lý tại các bệnh viện hiện nay?
-Quản lý y tế trong tình hình mới đòi hỏi nhiều phẩm chất, vừa tâm huyết, vừa am hiểu hệ thống, am hiểu cơ sở, luôn suy nghĩ lấy người bệnh, người dân làm trung tâm, nhân viên y tế là then chốt. Thấm nhuần lời dạy Bác Hồ: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”, thì việc quản lý tại các bệnh viện chắc chắn sẽ tốt hơn.
-Trân trọng cảm ơn ông!