Hành trình chết chóc và thân phận "nô lệ" của nhiều người Việt tại Anh
Nhiều nữ giới người Việt phải làm việc trong các tiệm móng để trả nợ cho những kẻ buôn người. Ảnh: Christopher Thomond/The Guardian |
Thông tin một cô gái Việt Nam là một trong số 39 người thiệt mạng trên chiếc xe đầu kéo đông lạnh chưa được xác nhận bởi cảnh sát, tuy nhiên từ lâu nay, các nhóm chống "nô lệ" đã không ít lần cảnh báo về vấn đề trẻ em và thanh niên trẻ người Việt bị buôn bán sang Anh.
*Xem thêm video 39 người thiệt mạng trong "chuyến xe tử thần" tại Anh:
Thanh thiếu niên nam giới được đưa tới những trại trồng cần sa, còn nữ giới sẽ làm việc trong các tiệm làm móng. Đó là chưa kể đến việc nhiều trong số người nhập cư trái phép bị ép buộc hành nghề mại dâm.
Chính bởi những nạn nhân đã đến Anh bằng con đường bất hợp pháp, luôn sống chui lủi, sợ cảnh sát phát hiện, nên đa số sẽ không lên tiếng về việc họ bị lạm dụng, The Guardian nhận định.
Một số người còn không ý thức được mình là nạn nhân của tệ nạn buôn bán người, khi chính họ đã chọn con đường đến Anh tìm việc, và thường sẽ trả một khoản tiền cho những kẻ buôn người để tổ chức vượt biên và kiếm việc làm cho họ sau đó.
Giá cho một chuyến đi bất hợp pháp tới châu Âu dao động khoảng 10.000 tới 40.000 USD (khoảng 230 triệu đồng cho tới trên 900 triệu đồng), theo báo cáo mang tên Precarious Journey của các tổ chức chống nô lệ mới được công bố đầu năm 2019. Theo BBC, anh trai của Phạm T.M, người bị nghi đã thiệt mạng trên chiếc xe giấu 39 người nhập cư, cô gái đã phải trả khoảng 30.000 euro (khoảng 900 triệu đồng) để được đưa tới Anh, và số tiền này đã được hoàn lại cho gia đình ngay sau khi có thông tin về thảm kịch.
Một trại sản xuất cần sa bị cảnh sát phát hiện tại tây bắc thủ đô London. Ảnh: Stuart Emmerson/Alamy Stock Photo |
Ranh giới của vận chuyến và buôn bán người trở nên mờ nhạt trên những hành trình này. Đa số người Việt Nam làm việc trong trại trồng cần sa, tiệm làm móng đều hiểu rằng gia đình họ ở quê nhà đang phải gánh một món nợ chồng chất, mà chủ nợ chính là những kẻ buôn người. Đó là lý do họ bị mắc kẹt trong cái bẫy nợ nần hàng năm trời, phải làm việc cật lực để trả nợ và luôn trong tình trạng sợ hãi không dám đi tìm sự giúp đỡ của bất kỳ ai.
The Guardian cũng dẫn lời của Mimi Vũ, một chuyên gia nghiên cứu về buôn bán người cho hay, nhiều khả năng Phạm T.M đã đến Anh một cách tự nguyện. Gia đình đã phải trả khoản tiền để con gái được đưa đi, với suy nghĩ cô sẽ có một việc làm, được học nghề tại tiệm làm móng.
Vấn nạn buôn bán người đã được nêu lên một cách trực diện trong Đạo luật về "Nô lệ hiện đại" do cựu Thủ tướng Anh Theresa May ban hành năm 2015, tuy nhiên việc thực thi luật này vẫn còn rất hạn chế do ngân sách triển khai eo hẹp.
Theo bà Debbie Beadle, giám đốc chương trình tại tổ chức chống buôn bán người Ecpat, những "tài nguyên" như Đạo luật kể trên chưa có hiệu lực khi lực lượng cảnh sát và giới chức địa phương chưa được đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng để nhận diện những trường hợp nạn nhân bị buôn bán.
Vụ tố tụng buôn người thành công đầu tiên được ghi nhận là vào cuối tháng 1/2019, khi cảnh sát tìm thấy 2 phụ nữ Việt Nam làm việc tại tiệm móng Nail Bar Deluxe tại xứ Bath. Cả hai người đều phải làm việc tới 60h/tuần. Một trong số họ được trả 30 euro một tháng, trong khi người còn lại phải làm không công, ngủ trên một tấm thảm ở tầng áp mái ngôi nhà chủ. Họ đều được đưa đến Anh trong khoang sau của xe tải.
Theo bà Beadle, đa số nạn nhân đến Anh được vận chuyển theo cách này và “Họ thường mô tả đó là một trong những trải nghiệm kinh khủng nhất trong đời’.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian năm ngoái, một trẻ mồ côi vô gia cư đến từ Việt Nam, tạm gọi là Stephen, cho biết đã bị bán sang Anh để làm việc như một nô lệ trong trại trồng cần sa ở tuổi lên 10.
Stephen cũng đến Anh trên một chiếc xe tải đông lạnh. Tại Anh, cậu đã bị buộc phải làm việc cật lực trong những căn nhà được sử dụng làm trang trại cần sa. Những kẻ ép Stephen làm công việc này trong suốt 4 năm chính là băng nhóm người Việt đã vận chuyển cậu tới Anh.
Stephen đã bị buôn bán sang Anh và buộc phải lao động trong trại trồng cần sa. Ảnh: Christopher Thomond/The Guardian |
Stephen bị nhốt trong căn nhà có cửa sổ bị dán kín, rất khó nhìn ra bên ngoài, không phân biệt được đêm hay ngày, và đã ở đó bao lâu. Vài hôm, lại có một nhóm người đến kiểm tra công việc, mang theo thức ăn cho Stephen. “Đôi lúc tôi không may làm chết cây. Thế là họ nổi giận và đánh đập tôi. Cuộc sống ở đó khốn khổ hơn khi tôi ở Việt Nam”, Stephen nói.
Một lần, một băng đảng người Anh đã đạp cửa xông vào, trói Stephen lại và trộm toàn bộ số cần sa đang chuẩn bị thu hoạch. Khi những kẻ là chủ của Stephen quay lại, chúng đã rất giận dữ, chuyển Stephen sang một nơi khác để bắt đầu lại việc trồng cần sa. Ở ngôi nhà này, Stephen không bị nhốt trong nhà, nhưng được “cảnh báo” nếu chạy trốn thì sẽ bị giết. Stephen chưa bao giờ liều lĩnh thử chạy trốn, bởi cũng không biết sẽ đi đâu sau đó.
“Tôi cứ sống mòn mỏi ngày qua ngày, với tương lai mịt mờ. Không ai đối xử tốt với tôi cả”, Stephen kể với the Guardian.
Video: Cận cảnh "chuyến xe tử thần" khiến 39 người chết cóng ở Anh Vụ việc 39 người chết trong thùng xe container với nhiệt độ xuống âm 25 độ C ở Essex (Anh) đang làm xôn xao dư luận, ... |
Vụ 39 người chết ở Anh: Nghi vấn có nhiều người Việt? Vụ 39 người chết trong xe container ở Anh đang có những diễn biến mới. Theo báo chí Anh, nghi vấn trong số nạn nhân ... |