Hành trình 24/7: Trình diễn pháo hoa quốc tế trên sông Hàn
Đà Nẵng: Trình diễn pháo hoa quốc tế trên sông Hàn
Tại cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 (DIFC 2017), pháo hoa sẽ được bắn lên từ xà lan đặt giữa sông Hàn (đoạn giữa cầu Sông Hàn và Thuận Phước) và mỗi đêm chỉ có 2 đội thi, khoảng cách giữa các đêm thi là 3 ngày 2 đêm. Đây cũng là địa điểm được Đà Nẵng lựa chọn bắn pháo hoa trong dịp chào mừng Quốc khánh 2/9.
Theo các đơn vị chuyên môn, việc bắn pháo hoa trên xà lan giữa sông Hàn sẽ tạo nhiều thuận lợi cho việc thu hút người dân, du khách, đảm bảo an toàn và dễ tạo hiệu ứng với nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng của thành phố. Đồng thời, tạo không gian rộng rãi hơn để công chúng thưởng thức pháo hoa, không tốn nhiều chi phí để xây dựng khán đài. Mọi người có thể xem từ hai bờ sông, trên những cây cầu, nhà hàng, khách sạn và các tòa nhà lân cận một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, thành phố chưa có xà lan chuyên dụng với độ dài 120m và bề rộng 10m để đáp ứng các yêu cầu của việc bắn pháo hoa. Nếu muốn trình diễn pháo hoa ngay giữa lòng sông thì phải thuê hoặc đóng mới xà lan với một khoản kinh phí khoảng 7 tỉ đồng
Ngoài ra, DIFC 2017 sẽ có những thay đổi đột phá theo hướng độc đáo, mới lạ hơn. Mỗi đêm chỉ có 2 đội thi, các đêm trình diễn cách nhau 3 ngày, 2 đêm. Một mặt tạo điều kiện cho các đội chuẩn bị, mặt khác kéo dài thời gian lưu trú của du khách, giảm áp lực cho các khách sạn, thu hút khán giả đến tham gia những hoạt động bên lề.
Lễ hội Hoa anh đào – mai vàng Yên Tử 2016
Lễ hội Hoa Anh Đào – Mai vàng Yên Tử, Hạ Long 2016 được tổ chức từ ngày 18 – 21/3 tại quảng trường 30/10.
Các hoạt động chính gồm: Khai mạc và giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt – Nhật; Trình diễn trang phục truyền thống và hiện đại của Việt Nam và Nhật Bản; Các tiết mục ca, vũ, nhạc Việt – Nhật; Trình diễn, giới thiệu một số nét văn hóa truyền thống Nhật Bản do các nhóm nhạc, ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam và Nhật Bản biểu diễn; Triển lãm hoa anh đào, mai vàng Yên Tử và sinh vật cảnh; Trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm du lịch, thương mại, văn hóa, ẩm thực, thời trang, hàng gia dụng, tạp hóa, lưu niệm, sinh vật cảnh… của Việt Nam và Nhật Bản (số lượng khoảng 160 gian hàng).
Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động khác như: Tổ chức Hội nghị hợp tác xúc tiến và đầu tư phát triển về du lịch, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản với sự tham gia của một số quan chức chính phủ Nhật Bản, lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương, tỉnh Quảng Ninh và các doanh nghiệp; Triển lãm giới thiệu di sản thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long...
Đến thời điểm hiện tại công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội Hoa anh đào – mai vàng Yên Tử, Hạ Long 2016 đang được các đơn vị khẩn trương thực hiện theo đúng kế hoạch.
Lễ hội Hoa Anh Đào – Mai vàng Yên Tử, Hạ Long 2016 hứa hẹn sẽ trở thành bữa tiệc văn hóa đầy màu sắc dành cho người dân và du khách, đồng thời quảng bá mảnh đất, con người Quảng Ninh đến với Nhật Bản và bạn bè bốn phương.
Đắk Lắk phục dựng nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số
Trong các năm từ 2012 – 2015, Đắk Lắk phục dựng hàng chục nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào Ê Đê, M’nông, J’rai, Sê Đăng... nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Lễ cầu mùa của đồng bào Ê Đê
Theo đó, nhiều nghi lễ đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số được tỉnh quan tâm phục dựng như: Lễ cầu mùa của đồng bào Ê Đê ở Buôn Trinh, phường An Lạc, TX. Buôn Hồ; Lễ cầu mưa tại buôn Cư Phiăng, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông; Lễ cúng thần lúa dân tộc M’nông Gar, buôn Jiê Jút, xã Đắk Phơi, huyện Lắk; Lễ cúng sức khỏe cho voi của dân tộc M’nông, buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk.
Ngành văn hóa – du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với phòng văn hóa các huyện Cư Kuin, Krông Na, Buôn Đôn, các già làng, trưởng buôn khảo sát, tổ chức một số nghi lễ, lễ hội truyền thống của dân tộc như: Lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe, lễ cúng vào nhà mới… Tỉnh cũng mở lớp tập huấn sưu tầm nghi lễ, lễ hội cho 36 học viên là cán bộ phòng văn hóa 15 huyện, thị xã, thành phố; trang bị kiến thức, kinh nghiệm tổ chức nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ làm công tác văn hóa, xã hội ở cơ sở.
Việc phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số còn góp phần làm phong phú và bảo tồn nét đẹp của không gian văn hóa cồng chiêng.
Phú Quốc mở đường bay mới đón khách từ Thụy Điển
Đường bay quốc tế từ Stockholm đến Phú Quốc được mở từ 8/3. Đây là chuyến bay đầu tiên đưa khách từ Thụy Điển đến Phú Quốc theo dạng thuê charter (bao nguyên chuyến). Dự kiến có 3 chuyến bay thẳng như vậy trong tháng 3 và từ tháng 12/2016 – 4/2017, tần suất mỗi tuần/chuyến.
Chuyến bay quốc tế đầu từ Stockholm đến Phú Quốc. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Theo cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, việc mở đường bay mới sẽ góp phần phát triển du lịch huyện đảo và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch Thụy Điển đến với Phú Quốc.
Trước đó, vào tháng 1, Phú Quốc cũng mở đường bay đón khách Trung Quốc từ Quảng Tây với tần suất 3 chuyến mỗi tuần. Các đường bay quốc tế đang được khai thác từ Phú Quốc gồm Singapore, Siem Reap (Campuchia).
Phú Quốc hiện có hơn 6.000 phòng khách sạn. Dự kiến năm 2020, nơi đây sẽ có 15.000 phòng, đủ sức phục vụ từ 2,5–3 triệu du khách mỗi năm. Chính sách miễn thị thực 30 ngày cho khách quốc tế đến Phú Quốc cũng góp phần thu hút lượng khách lớn đến đảo 2 năm qua.
Nguyên Vũ