Hành trình 24/7: Các hoạt động hấp dẫn trải khắp Bắc – Trung – Nam dịp Tết Nguyên đán
Hội chữ Xuân Bính Thân 2016 tại khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Hội chữ Xuân Bính Thân 2016 sẽ diễn ra từ ngày 2–15/2 trong khuôn viên Hồ Văn (Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội).
Hội chữ xuân Bính Thân 2016 có nhiều nét đổi mới
Theo đó, hội chữ xuân Bính Thân năm 2016 sẽ diễn ra với 2 chương trình chính: Triển lãm thư pháp “Uống nước nhớ nguồn” và Hội cho chữ đầu Xuân.
Để nâng cao trình độ hưởng thụ thư pháp của công chúng, năm nay, các ông đồ phải trải qua quá trình sát hạch nghiêm túc trước khi được cấp thẻ của BTC. Trong 44 thí sinh tham dự (37 người thi thư pháp chữ Hán Nôm và 7 người thi thư pháp chữ Quốc ngữ), chỉ có 12 người được lựa chọn viết thư pháp Hán Nôm và 3 người viết thư pháp Quốc ngữ sẽ cùng với những “ông đồ” của mùa cũ cùng tham dự hội chữ Bính Thân.
Du khách có thể thực hành viết thư pháp theo các chữ được BTC chuẩn bị sẵn. Hoạt động viết chữ sẽ diễn ra từ ngày 2–15/2, vào lúc 8g30 – 20g. Đặc biệt, đêm Giao thừa sẽ tổ chức viết đến 2g sáng ngày mùng 1 Tết; ngày mồng 1, 2 tổ chức viết đến 22g để phục vụ nhân dân và du khách du xuân.
Bên cạnh những bậc tiền bối về thư pháp, hội chữ xuân Bính Thân còn có sự tham gia của các ông đồ trẻ thế hệ 8X, 9X mang lại sự tươi mới cho hội chữ xuân năm nay, góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống trong dòng chảy của cuộc sống đương đại.
Với nhiều nét đổi mới, Hội chữ xuân Bính Thân hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo du khách và người dân sinh sống tại Hà Nội.
Tết Việt 2016 tại Bảo tàng Hà Nội
Từ ngày 29/1 đến ngày 3/2/2016, Tết Việt 2016 sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Những hình ảnh thân thuộc dịp Tết sẽ được tái hiện tại Bảo tàng Hà Nội
Tết Việt 2016 sẽ mang đến cho người dân, du khách một không gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống và hòa mình trong không khí Tết xưa với những hình ảnh quen thuộc như: cây tre, đào, quất, nhà cổ, chợ quê…
Với hơn 200 gian hàng, được chia thành các khu: Khu làng nghề truyền thống Hà Nội, khu ẩm thực, khu dành cho các đơn vị tài trợ, khu quảng bá văn hoá, du lịch Hà Nội, khu cây cảnh Tết, khu trò chơi dân gian... Du khách, người dân vừa thưởng ngoạn những nét đẹp văn hóa người Việt ngày Tết, vừa trực tiếp tham gia vào các trò chơi và mua những món hàng trang trí, những món thực phẩm ngày.
Bên cạnh đó, chương trình này sẽ diễn với nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, miễn phí xuyên suốt những ngày diễn ra Tết Việt như: ca trù, hát chèo, trống bội, hát chầu văn, viết câu đối, tặng chữ, biểu diễn nhạc dân tộc, các chương trình xiếc, ảo thuật, chương trình ca nhạc với sự xuất hiện của các ca sĩ Sao Mai 2015, Giọng hát hay Hà Nội...
Để giúp công chúng hiểu thêm về các phong tục truyền thống, đến với Tết Việt 2016, khách tham quan còn được nghe Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực ẩm thực Phạm Ánh Tuyết giới thiệu, hướng dẫn chuẩn bị mâm cỗ Tết cổ truyền; cách bày ban thờ gia tiên trong ngày Tết của GS Trần Lâm Biền.
Đà Nẵng: Nhiều sự kiện phong phú đón Tết Nguyên đán
Đón Tết Nguyên đán Bính Thân, Đà Nẵng sẽ tổ chức nhiều sự kiện nổi bật, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu giải trí, vui chơi của người dân và du khách.
Lần đầu tiên, người dân và du khách sẽ chiêm ngưỡng cầu Rồng phun nước, phun lửa theo nhạc
Đêm giao thừa (7/2 dương lịch), chương trình ca múa nhạc Mừng Đảng Đón Xuân do Nhà hát Trưng Vương thực hiện, được diễn ra tại bờ Đông sông Hàn. Cũng dịp này, lần đầu tiên, người dân và du khách sẽ chứng kiến cảnh cầu Rồng phun nước, phun lửa theo nhạc, 3 kịch bản âm thanh, gồm Huyền thoại Ngũ Hành Sơn, Huyền diệu sông Hàn và Nơi rồng về khai hoa kết hợp với hiệu ứng ánh sáng.
Chương trình bắn pháo hoa đêm giao thừa diễn ra tại 4 địa điểm: cầu Nguyễn Văn Trỗi, SVĐ quận Ngũ Hành Sơn, trung tâm hành chính quận Liên Chiểu và đài tưởng niệm huyện Hòa Vang. Bên cạnh đó, còn có các chương trình nghệ thuật khác diễn ra trong dịp Tết này như: Chương trình văn nghệ Đà Nẵng vào xuân do Trung tâm văn hóa thành phố thực hiện vào mùng 6 Tết tại vỉa hè đường Bạch Đằng (đối diện chợ Hàn); Chương trình ca nhạc – hài kịch do Nhà hát Trưng Vương thực hiện tại nhà hát vào ngày 13–14/2, chương trình âm nhạc đường phố…
Từ ngày 21/12 đến mồng 10 âm lịch, Hội hoa xuân và chợ hoa Tết Bính Thân sẽ diễn ra tại Công viên và Quảng trường 29–3. Sự kiện này diễn ra với nhiều hoạt động trang trí, trưng bày sinh vật cảnh, cuộc thi tài năng nghệ thuật chủ đề xuân và tuổi trẻ, biểu diễn múa rối nước, hô hát bài chòi…
TP. HCM: Đầy ắp các hoạt động hấp dẫn dịp Tết Nguyên đán
TP. HCM sẽ tổ chức chương trình trang trí ánh sáng nghệ thuật đường phố từ ngày 30/1 đến hết ngày 17/2 tại các tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Phạm Ngọc Thạch...
Phối cảnh đường hoa Nguyễn Huệ dịp Tết Bính Thân
Đường hoa Tết tại phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ trở lại và khai mạc tối 5/2, kéo dài trong 8 ngày. Cùng dịp này, đường sách trên các tuyến Mạc Thị Bưởi – Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế cũng được tổ chức phục vụ người dân và kiều bào.
Hội hoa xuân Tao Đàn lớn nhất TP. HCM được tổ chức từ ngày 3–14/2. 3 chợ hoa Tết cấp thành phố và 128 chợ hoa ở quận huyện diễn ra từ ngày 1–7/2. Ngoài ra, từ ngày 2– 4/2, sự kiện Ngày hội Bánh Tét sẽ diễn được diễn ra. Lễ dâng cúng bánh tét Quốc tổ Hùng Vương được tổ chức ngày 5/2 tại khu tưởng niệm các vua Hùng, công viên lịch sử văn hóa dân tộc và 24 quận, huyện.
Lễ đón giao thừa Tết Bính Thân sẽ được thành phố tổ chức từ ngày 7–9/2 gồm các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt tại công viên 23/9, công viên Gia Định, sân khấu đường Trường Sa (trước nhà thi đấu Rạch Miễu), bắn pháo hoa (khoảng 8 điểm) từ 0g–0g15.
Quảng Ninh: Tổ chức lễ hội xuân Ngọa Vân thường niên từ năm 2016
Lễ hội xuân Ngọa Vân 2016 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 16/2 và kéo dài khoảng 3 tháng. Đây là dịp để nhân dân và du khách thập phương hành hương về “Thánh địa của thiền phái Trúc Lâm” – nơi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông – Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm lựa chọn là nơi nhập Niết Bàn, hóa Phật.
Cáp treo phục vụ người dân và du khách tại lễ hội
Bên cạnh đó, lễ hội này là hoạt động thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhằm tôn vinh, tri ân công đức to lớn của Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với đất nước và đạo pháp dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, tuyên truyền quảng bá để nâng cao nhận thức cho nhân dân và du khách thập phương về tầm quan trọng, giá trị to lớn của khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.
Trong ngày lễ khai hội, dịch vụ cáp Ngọa Vân sẽ được đưa vào vận hành và miễn phí cho người dân và du khách (16/2).
Khai trương đoàn tàu chất lượng cao tuyến Hà Nội – Sài Gòn
Sáng qua, đoàn tàu khách mới, chất lượng cao mác hiệu SE5/SE6 chạy trên tuyến Hà Nội – Sài Gòn chính thức khai trương, nhằm phục vụ kịp thời nhân dân về quê trong dịp Tết Bính Thân 2016.
Đoàn tàu chất lượng cao, tuyến Hà Nội – Sài Gòn phục vụ người dân, du khách dịp Tết Nguyên đán
Nhân dịp khai trương, mức giá vé sẽ được giảm từ 30 – 50% so với giá vé các tàu đang chạy trên tuyến Hà Nội – Sài Gòn.
Hành trình các đoàn tàu từ Hà Nội đến Sài Gòn như sau: Tàu SE5 xuất phát tại ga Hà Nội lúc 9g đến ga Sài Gòn lúc 20g3' ngày hôm sau; Tàu SE6 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 9g đến ga Hà Nội lúc 20g03 ngày hôm sau.
Tuyến tàu mới này đón và trả hành khách tại các ga: Hà Nội, Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình, Bỉm Sơn, Thanh Hóa, Chợ Sy, Vinh, Yên Trung, Hương Phố, Đồng Lê, Đồng Hới, Đông Hà, Huế, Lăng Cô, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Núi Thành, Quảng Ngãi, Bồng Sơn, Diêu Trì, Tuy Hòa, Ninh Hòa, Nha Trang, Tháp Chàm, Bình Thuận, Long Khánh, Biên Hòa, Sài Gòn.
Bên cạnh đó, các toa trong đoàn tàu có nội thất, trang thiết bị hiện đại, thiết kế hợp lý, rộng rãi, tạo cảm giác thoải mái cho hành khách. Đặc biệt tiếng ồn sẽ được giảm thiểu. Buồng vệ sinh được cải tạo đảm bảo tiêu chuẩn, không gây ảnh hưởng đến môi trường. Dọc hành lang được bố trí đèn có ánh sáng vàng tạo sự sang trọng. Đồng thời, đoàn tàu còn có một toa xe hàng ăn phục vụ ăn nhẹ và giải khát cho hành khách.
Được biết, giá vé tàu SE5 không thay đổi so với tàu hỏa thường. Khu vực khoang đối với 4 người giường nằm mềm, giá vé từ Hà Nội đi Sài Gòn là 1.320.000 đồng/người. Giá vé ghế ngồi rẻ nhất từ Hà Nội đi Sài Gòn là 548.000 đồng/người.
Quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Panama
Vừa qua, buổi tọa đàm với chủ đề Conociendo sobre Viet Nam – Tìm hiểu về Việt Nam, để quảng bá về đất nước con người và tiềm năng du lịch của Việt Nam được diễn ra tại thủ đô Panama.
Hình ảnh vịnh Hạ Long được giới thiệu tại buổi tọa đàm. (Ảnh minh họa)
Tại đây, các khách mời đã được xem hai clip giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam, gồm Welcome To Viet Nam do Bộ Ngoại giao Việt Nam phát hành năm 2015 bằng tiếng Tây Ban Nha và Viet Nam – Timeless charm (Việt Nam – Vẻ đẹp tiềm ẩn) với những góc nhìn khác lạ về Việt Nam qua ống kính máy ảnh, các khách tham dự đã được thưởng thức các món ăn Việt Nam (nem rán, các loại nem cuốn, nộm, cơm chiên, phở bò) do chính tay các đầu bếp nhà hàng Việt Nam tại Panama chế biến.
Các công ty lữ hành tại Panama đánh giá cao những thông tin rất thiết thực về Việt Nam để hỗ trợ cho khách du lịch tại Panama và đặc biệt hứng thú với việc các món ăn của Việt Nam, giúp nhiều người Panama biết đến Việt Nam hơn.
Nguyên Vũ