Hàng loạt sai phạm của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Sau những kiến nghị về việc Bộ Công Thương bổ nhiệm nhân sự tại Tổng công ty CP rượu bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) tiếp tục phản ánh về những sai lầm của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng trong công tác quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Bổ nhiệm các chức danh thiếu kinh nghiệm
VAFI cho rằng, ông Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc bộ này quản lý đã không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm và thành tích quản trị cao. Lãnh đạo một số tập đoàn không phải là những người thành công và đi lên từ chính doanh nghiệp.
Ông Vũ Huy Hoàng thời còn làm Bộ trưởng Bộ Công thương
Trong quá trình bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch HĐQT tại 3 tập đoàn kinh tế lớn là Sabeco, Habeco, Vinataba, thành tích quản trị doanh nghiệp của Chủ tịch Habeco, Vinataba hết sức nghèo nàn, họ không phải là những người thành công và đi lên từ Habeco, Vinataba.
VAFI đánh giá, trong khi Chủ tịch Sabeco hầu như không có kinh nghiệm quản trị DN, thành tích về quản trị DN nhưng vẫn được kiêm nhiệm luôn cả chức danh Tổng giám đốc.
Đặc biệt, trong chiến lược hoạt động của PVN, EVN, TKV… không có HĐQT nào sốt sắng với định hướng cổ phần hóa cả tập đoàn. Các Tập đoàn, Tổng công ty như Tổng công ty Thép, Tâp đoàn Hóa chất, TKV ở 1 vị thế tài chính rất yếu so với 10 năm trước, phải trông chờ nhà nước hỗ trợ hay bơm vốn như ở Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Công ty Gang thép Thái Nguyên…
VAFI cũng cho rằng, điều đáng tiếc tại Bộ Công Thương là việc bố bổ nhiệm chức vụ cho con trai, trong khi kể cả với những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp gia đình hay công ty tư nhân lớn điều này cũng không bao giờ xảy ra.
Chậm bàn giao một số DN đã cổ phần hóa về cho Tổng công ty và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) quản lý
VAFI chỉ rõ: Trong 9 năm dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Sabeco, Habeco sau 9 năm cổ phần hóa vẫn không được chuyển giao về cho SCIC”,
VAFI cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ Công thương trốn tránh niêm yết. Ông Vũ Huy Hoàng không thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa như Sabeco, Habeco, Vinatex, Petrolimex…cùng các đơn vị thành viên đã cổ phần hóa trực thuộc các tập đoàn đã không chịu niêm yết.
Đánh giá SCIC vẫn còn nhiều yếu kém trong công tác quản lý cổ phần nhà nước, song VAFI cho rằng, năng lực quản lý vốn của SCIC còn hơn nhiều năng lực quản lý vốn của bộ ngành địa phương. Đặc biệt là trong khâu bổ nhiệm nhân sự chủ chốt như Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc thì SCIC không dám làm liều như Bộ Công thương.
Phong trào cổ phần hóa đi xuống và trì trệ
Dưới thời cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, phong trào cổ phần hóa doanh nghiệp đi xuống và trì trệ, không thể sôi nổi và tích cực như thời Bộ trưởng Hoàng Trung Hải. “Trong khi Bộ Công Thương là Bộ nắm nhiều doanh nghiệp, ở vị thế kinh doanh thuận lợi nhưng phong trào cổ phần hóa trong nhiệm kỳ 2010- 2015 còn thua xa Bộ GTVT”, VAFI đánh giá.
Ngoài ra, VAFI còn đánh giá, Bộ Công Thương là bộ nắm nhiều DN ở vị thế kinh doanh thuận lợi nhưng phong trào cổ phần hóa trong nhiệm kỳ 2010- 2015 còn thua xa Bộ Giao thông Vận tải do nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng lãnh đạo.
Bộ Công Thương bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐQT kiêm PTGĐ Sabeco mang tính vụ lợi
Trong việc Bộ Công Thương bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐQT kiêm PTGĐ Sabeco, VAFI nhận định, hành động của ông Vũ Huy Hoàng và những cá nhân có liên quan hoàn toàn mang đậm tính vụ lợi.
VAFI cũng khẳng định, việc Vũ Quang Hải về Cục Xúc tiến thương mại không phải là cống hiến sức lực của tuổi trẻ mà chỉ là tạo ra một lý lịch đẹp để vào hàng ngũ lãnh đạo của Bộ Công thương và từ đó có thế mạnh về làm lãnh đạo Sabeco. Nếu điều chuyển thẳng Vũ Quang Hải từ Tổng giám đốc PVFI về Sabeco chắc là không thể thành công, cho nên hành vi điều động Vũ Quang Hải về Sabeco hay dưới dạng Sabeco tha thiết xin Vũ Quang Hải mang đậm tính chất vụ lợi.
M.Duy (t/h)