Hàn Quốc: Lãnh đạo Samsung có liên quan bê bối chính trị?
Ông Lee (48 tuổi) là Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung. Từ tháng 5/2014, sau khi cha của ông là Chủ tịch Lee Kun-hee bị liệt sau một cơn đau tim, ông Lee đã nắm quyền điều hành tập đoàn số một Hàn Quốc này.
Các công tố viên đang xem xét khoản chi khoảng 30 tỷ won (25 triệu USD) của Samsung cho một doanh nghiệp được hỗ trợ bởi bà Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, trung tâm của vụ bê bối.
Samsung đã thừa nhận có đóng góp cho một số công ty, tổ chức của bà Choi. Các công tố viên sẽ triệu tập 2 quan chức cấp cao của tập đoàn ngay trong tuần này để thẩm vấn, dù họ từng được coi là các nhân chứng.
Trả lời báo giới, người phát ngôn của nhóm công tố viên đặc biệt Lee Kyu-chul cho biết: lãnh đạo Lee của Samsung sẽ bị thẩm vấn vào lúc 9g30p sáng ngày 11/1 (giờ địa phương).
Ông Jay Y. Lee (trái) tới điều trần ở Quốc hội Hàn Quốc hôm 6/12/2016. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, người phát ngôn này không tiết lộ chi tiết về các cáo buộc, khi được hỏi rằng liệu các công tố viên có ra lệnh bắt giữ ông Lee hay không. Trong khi đó, một phát ngôn viên của tập đoàn Samsung đã từ chối bình luận.
Tuần trước, Giám đốc Quỹ hưu trí quốc gia (NPS) Moon Hyung-pyo đã bị bắt sau khi thừa nhận đã gây sức ép, hỗ trợ tập đoàn Samsung sáp nhập 2 chi nhánh thành viên là Samsung C&T (C&T Corp) và Samsung Cheil Industries hồi năm 2015.
Trong phiên điều trần của Quốc hội Hàn Quốc hôm 6/12/2016, Phó Chủ tịch Jay Y.Lee đã bác bỏ những cáo buộc hối lộ. Ông cũng phản đối thông tin cho rằng Samsung đã ủng hộ cho 2 quỹ phi lợi nhuận mà bà Choi sáng lập để đổi lấy vụ sáp nhập nói trên.
Bê bối chính trị ở Hàn Quốc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng tới nhiều nhân vật. Trong số đó, Tổng thống Park có thể sẽ trở thành nhà lãnh đạo dân cử đầu tiên của nước này bị miễn nhiệm.
Trọng Sang