Hai nữ quân nhân Việt Nam với sứ mệnh gìn giữ hòa bình thế giới
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga và các em nhỏ Nam Sudan. Ảnh: NVCC |
Về dân nhớ, ở dân thương
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga là nữ quân nhân đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. Nhiệm kỳ của Thiếu tá Nga bắt đầu vào ngày 29/10/2017, và kéo dài trong 12 tháng. Một năm trên đất bạn là quãng thời gian đầy thử thách, vì Nam Sudan đang bước vào thời điểm chiến sự ác liệt. Ngoài mối đe dọa từ các băng nhóm tội phạm và phe đối lập, các nhân viên của LHQ còn phải đối mặt với nguy cơ mắc phải các loại dịch bệnh như Ebola hay sốt rét.
Để chuẩn bị cho nhiệm vụ ở "chảo lửa" châu Phi, Thiếu tá Nga đã được Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam tạo điều kiện tham gia học tập, bồi dưỡng trong các khóa tập huấn về sỹ quan tham mưu quân sự, quan sát viên quân sự, sỹ quan thông tin, quan hệ quân-dân sự LHQ tại Sri Lanka, Trung Quốc, Hà Lan, Hàn Quốc...trong vòng hai năm.
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga trong giờ làm việc tại văn phòng ở Nam Sudan. Ảnh: NVCC |
Một ngày làm việc của Thiếu tá Nga, với vai trò sỹ quan tham mưu tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Nam Sudan thường vào ca đêm, kéo dài từ 4 giờ chiều đến 8 giờ sáng hôm sau. Một khi đã nhận nhiệm vụ, chị và các đồng nghiệp phải làm việc liên tục từ 14-16 tiếng.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, chị cho biết:"Những thời gian xung đột cao điểm, chúng tôi ở trong văn phòng có khi cả tuần, về nhà chỉ để thay quần áo và lấy thêm đồ ăn đến. Khá khó khăn thời gian đầu vì tôi chưa quen thức đêm nhiều. Công việc cũng căng thẳng, áp lực, vì khi đã nhận một nhiệm vụ nào đó từ đơn vị bạn gửi hoặc từ đơn vị cấp dưới gửi thì bất cứ ngày hay đêm, bạn phải xử lý ngay, chậm nhất trong vòng 30 phút."
Tính chất công việc của một sỹ quan tham mưu chỉ yêu cầu làm việc trong căn cứ của LHQ, song bên cạnh việc học hỏi kiến thức chuyên môn gìn giữ hòa bình, chị Nga luôn mong muốn có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống của nhân dân tại địa bàn Phái bộ.
Chị chia sẻ: "Tôi dành phần lớn thời gian rảnh để tiếp xúc với người dân bản địa. Thời gian đầu khi mới sang, đi tìm hiểu cuộc sống của họ cũng giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà. Khi chơi với trẻ em, có cảm giác như chơi với các con tôi ở nhà. Tôi cũng hay hướng dẫn các em cách giữ vệ sinh cho bản thân; chia sẻ với những người mẹ cách chăm sóc các em."
Kỷ niệm khiến Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga nhớ nhất là lần chị về nước, các em nhỏ đã mượn điện thoại của bạn chị, gọi điện và nói rằng rất nhớ chị, mong chị sớm quay về.
Khi biết chị sắp kết thúc nhiệm kỳ, có em đã khóc, có em dành thời gian rảnh vẽ tranh hoặc móc những chiếc túi nhỏ xinh tặng chị và nói với chị rằng: “Đỗ” hãy nhớ tới các em...
Trở về Việt Nam đầu năm 2019, nhìn lại một năm ở Nam Sudan, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga nói: đó là khoảng thời gian “đáng quý và đáng trân trọng nhất trong cuộc đời quân ngũ của mình."
Gìn giữ hòa bình ở Trung Phi là thực hiện ước cuộc đời
Trung tá Nguyễn Thị Liên là 1 trong 7 thành viên của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ tại Cộng hòa Trung Phi vào ngày 30/6. Ảnh: Tiền Phong |
Trung tá Nguyễn Thị Liên là 1 trong 7 thành viên của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ tại Cộng hòa Trung Phi vào ngày 30/6 vừa qua.
Trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến đi, chị chia sẻ bản thân đã ấp ủ ước mơ được tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ từ khi Việt Nam bắt đầu tham gia hoạt động này. Và ước mơ đó được định hình rõ ràng hơn khi chị tham gia một buổi hội thảo và được nghe Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam - Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng chia sẻ về nhiệm vụ đặc biệt này.
“Công việc giảng dạy của tôi ở Trường Sĩ quan Đặc công trước đây và vai trò Sĩ quan tham mưu đào tạo tại phái bộ ở Cộng hoà Trung Phi rất khác nhau. So với quá trình đứng trên bục giảng thì từ khi sang Cục Gìn giữ Hòa bình tôi được tìm hiểu rất nhiều kỹ năng, trong đó có việc tác chiến độc lập một mình. Đây cũng là một thử thách rất lớn đối với tôi. Tôi đã được tham gia các khóa học cả trong nước và ngoài nước để nâng cao hiểu biết, kiến thức cũng như tâm thế tự tin tham gia lực lượng Gìn giữ Hòa bình LHQ sắp tới”, Trung tá Liên nói.
Nói về địa bàn thực hiện nhiệm vụ của mình trong thời gian tới, Trung tá Liên cho biết, so với Nam Sudan thì ở Cộng hòa Trung Phi lực lượng của Việt Nam và bệnh viện dã chiến tập trung ở đây nhiều hơn. Chị cũng chia sẻ, khá vui khi trong quá trình tìm hiểu về địa bàn được biết, người dân nơi đây có nhiều nét tương đồng về phong tục, cách sống với người dân Việt Nam.
Trung tá Nguyễn Thị Liên cũng cho biết, mình may mắn khi được học hỏi những kinh nghiệm từ người đi trước, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga.
“Tôi thấy đồng chí Nga đã rất thành công trong nhiệm vụ của mình ở Nam Sudan và đây cũng là ước mơ của tôi. Hai chị em cũng chia sẻ rất nhiều và tôi cũng được học hỏi nhiều kinh nghiệm của các đồng chí đã, đang làm nhiệm vụ ở hai phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi nên cảm thấy rất tự tin khi mình được truyền thụ những kinh nghiệm như vậy”.
Từ năm 2014 đến nay đã có 100 lượt cán bộ, sĩ quan Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, trong đó 37 sĩ quan đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, một đội công binh gồm 290 người (trong đó có 38 nữ giới) của Việt Nam cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị và sẵn sàng tham gia gìn giữ hòa bình LHQ từ năm 2020. Nỗ lực của các chiến sĩ gìn giữ hòa bình Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao: 2 sĩ quan Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá bằng văn bản là đã "hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ", thuộc top 2% trong tổng số 90.000 sĩ quan thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trên toàn thế giới nhận được đánh giá này. |
Việt Nam tích cực chuẩn bị mọi mặt cho việc tham gia HĐBA Liên Hiệp Quốc Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 6/6, Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đã tích cực triển khai ... |
[Infographic] Đóng góp của Việt Nam tại HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 Việt Nam lần đầu tiên thực hiện vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ vào năm 2008-2009. Một nhiệm kỳ thành công để ... |
Việt Nam tại Liên hợp quốc - niềm tự hào của người làm đối ngoại "Việt Nam nhiều khả năng trở thành Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 là sự kiện có ý nghĩa ... |