Hai Bà Trưng, Hà Nội: Bản án có hiệu lực nhưng đất công vẫn bị sử dụng trái phép
Bản án thể hiện, sau khi Nhà nước mở rộng đường Đại Cồ Việt vào năm 1991, đoạn đầu ngõ 27 còn một khoảng đất trống không ai quản lý nên gia đình ông Trần Mạnh Thắng và một số hộ dân khác đã tự ý san lấp mặt bằng và xây ki-ốt để kinh doanh.
Để chống những hộ dân này lấn chiếm diện tích đất lưu không tại đoạn đầu ngõ 27, đường Đại Cồ Việt, năm 1999, UBND phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng đã xây ki-ốt và cho người dân thuê để làm nơi kinh doanh. Trong đó, ki-ốt của ông Trần Mạnh Thắng đang sử dụng có nguồn gốc do ông Cao Duy Cường đứng tên ký hợp đồng 2 ki-ốt với diện tích 30m2. Ông Thắng sử dụng 1 ki-ốt và trực tiếp nộp tiền cho UBND phường Cầu Dền.
Tổng diện tích ki-ốt ông Thắng sử dụng là 39,56 m2 (bao gồm 15m2 thuê và 2456m2, do ông Thắng tự cơi nới xây dựng thêm không có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền).
Theo tờ bản đồ 6H-IV-10 đo vẽ năm 1996 thì toàn bộ 39,56 m2 đất này thuộc một phần thửa số 178 đất công do UBND phường Cầu Dền quản lý. Sau đó, UBND phường đã có văn bản báo cáo quận Hai Bà Trưng về việc những hộ dân này đã lấn chiếm những khu đất này. Như vậy, khu đất này không phải đất hoang như ông Thắng đã trình bày.
Tiếp đó, hợp đồng số 06 ngày 1/01/1999 nêu rõ: Ki-ốt bán hàng tại số 5 Đại Cổ Việt này là đầu ngõ 27, Đại Cổ Việt do UBND phường Cầu Dền xây dựng là tài sản của UBND phường….do vậy chỉ để bán hàng mà không được phép sử dụng làm nhà ở, khi có quy hoạch phải trả lại không được đòi một quyền lợi nào.
Như vậy, ki-ốt này là do thuê của UBND phường không phải là công trình do ông Thắng và những người đang sử dụng tạo lập.
Vì vậy, quyết định giải quyết khiếu nại số 546 ngày 24/1/2014 của Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng có nội dung “…ông Trần Mạnh Thắng và những người đang sử dụng ki-ốt tại đầu ngõ 27, Đại Cổ Việt là người thuê nhà đất của UBND phường Cầu Dền từ năm 1999, khi Nhà nước thu hồi thì phải chuyển ngay không được đòi quyền lợi. Trong trường hợp những người này không trả lại thì UBND phường sẽ lập hồ sơ cưỡng chế tháo dỡ giải tỏa ki-ốt thu hồi đất công…”.
Tại phiên tòa phúc thẩm, hội đồng xét thấy quyết định thu hồi đất số 2210/QĐ-UBND và quyết định phê duyệt phương án bồi thường số 2211/QĐ-UBND cùng ngày 23/6/2015 của UBND quận Hai Bà Trưng là phù hợp với pháp luật về thẩm quyền và trình tự và không trái với pháp luật, không vi phạm về hình thức và thủ tục như kháng cáo của ông Thắng.
Theo quyết định của TAND TP.Hà Nội thì bác yêu cầu khởi kiện của ông Trần Mạnh Thắng đề nghị hủy quyết định giải quyết khiếu nại số 546/QĐ-UBND ngày 24/1/2014 của Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, phần quyết định thu hồi đất số 2210/QĐ-UBND, quyết định 2211/QĐ-UBND cùng ngày 23/6/2015 của UBND quận Hai Bà Trưng đối với ông Trần Mạnh Thắng. Bản án này có hiệu lực từ ngày tuyên án là ngày 13/4/2018.
Vậy, vì sao bản án có hiệu lực pháp luật từ tháng 4/2018, đất là đất công mà đến nay chính quyền quận, phường vẫn án binh bất động, không giải thi hành án? Phải chăng, nội dung quyết định số 546 của Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng và bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa chỉ có giá trị trên giấy?
Thời Đại tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Bài và ảnh N.Hòa