Hà thủ ô - Bổ huyết giữ tinh, nhuận tràng
Hà thủ ô là vị thuốc dễ tìm, dễ trồng, được y học cổ truyền đánh giá cao. Nó có nhiều tên gọi khác nhau nhưng phổ biến nhất là hà thủ ô hoặc dạ giao đằng. Phần được dùng làm thuốc là phần rễ củ phơi hoặc sấy khô.
Hà thủ ô thường được xắt lát rồi phơi hoặc sấy khô
Theo Đông y, hà thủ ô vị đắng, ngọt, chát, tính bình, vào các kinh can và thận, có tác dụng bổ huyết giữ tinh, nhuận tràng, làm đen râu tóc, giảm đau. Nên dùng với liều dùng 12-20g sắc hay tán bột uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác theo các bài thuốc được giới thiệu trong cuốn sách Chữa bệnh bằng cây lá quanh nhà sau:
Chữa phong thấp: Nếu thấy đau lưng dưới liền xuống đùi háng (viêm dây thần kinh hông) vận động khó khăn thì lấy hà thủ ô, ngưu tất mỗi vị 30g, cẩu tích 16g, độc hoạt 12g, huyết giác đều 12g, thiên niên kiện 8g, hoàng kỳ 10g, bạch chỉ 6g; cho tất cả vào nồi, sắc uống. Nếu nhức nhói chỗ này sang chỗ khác, đau nhói cả sườn và lưng trên thì bỏ thiên niên kiện, thêm cành liễu 16g cùng sắc uống.
Chữa tóc khô hay rụng, sớm bạc: Hà thủ ô chế, sinh địa, huyền sâm mỗi vị 20g; cho tất cả vào nồi, sắc uống. Bài thuốc này cũng có tác dụng với những trường hợp huyết hư máu nóng, hồi hộp chóng mặt ù tai, hoa mắt, lưng gối mỏi rũ, khô khát táo bón.
Chữa người già xơ cứng mạch máu, huyết áp cao: Hà thủ ô 20g, tầm gửi dâu, kỷ tử, ngưu tất mỗi vị đều 16g; sắc uống. Bài thuốc này cũng có tác dụng với nam giới tinh yếu khó có con.
Chữa bệnh lao lâm, khó nhọc: Nếu lao lâm, vì khó nhọc sinh tiểu ra máu, tiểu rắt thì dùng lá hà thủ ô, lá huyết dụ bằng nhau sắc rồi hòa thêm mật ong vào uống.
Lưu ý: Uống hà thủ ô nên kiêng ăn hành tỏi, lươn hay tiết xúc vật. Người có huyết áp thấp và đường huyết thấp cũng nên kiêng dùng.
Hoài Anh