Hà Nội: Chuyển biến trong trật tự, văn minh đô thị
Trật tự, văn minh đô thị trên địa bàn Hà Nội có những chuyển biến rõ nét
Quyết liệt, đồng bộ
Bên cạnh việc ban hành các văn bản, cụ thể hóa những nội dung của Chỉ thị 08 phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị mình, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đều chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục để tạo chuyển biến trong ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong đảm bảo trật tự, văn minh đô thị. Nhiều đơn vị còn viết “thư ngỏ” gửi tới các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình; ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự văn minh đô thị; thành lập các tổ tuyên truyền tới các khu dân cư; lập đường dây tiếp nhận thông tin về trật tự văn minh đô thị...
Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân, để thực hiện Chỉ thị 08, huyện đã quán triệt và triển khai đến các xã, thị trấn, các thôn, quy định trách nhiệm của chủ tịch các xã, thị trấn, trưởng phòng, ban liên quan và thanh tra xây dựng trong công tác quản lý trật xây dựng. Nhờ đó, các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn huyện giảm rõ rệt, nhất là vi phạm về xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp.
Với công tác quản lý môi trường, việc thu gom rác được thực hiện theo đầu mối, lượng rác thu gom hằng ngày trên địa bàn huyện đạt hơn 90%. Để nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn, UBND huyện đã ban hành quy chế về quản lý vệ sinh môi trường, từ đó, người dân giám sát việc thu giá dịch vụ và đánh giá chất lượng vệ sinh môi trường.
Còn theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn, năm 2017, quận tiếp tục tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý các vi phạm phát sinh trong lĩnh vực trật tự, văn minh đô thị. Kết quả từ tháng 6/2016 đến nay, toàn quận đã xử lý 21.991 vi phạm về trật tự hè phố với số tiền 11,9 tỷ đồng, trong đó, xóa 164/226 tụ điểm vi phạm, xử phạt 383 lượt bãi để xe trái phép, thu quá giá theo quy định và quá diện tích; thu hồi 23 điểm, điều chỉnh 9 điểm trông giữ phương tiện vi phạm.
Quận cũng đã hoàn thành cơ bản việc cải tạo, chỉnh trang 15 tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố nhánh tại khu vực hồ; đang thực hiện tiếp 15 tuyến, đảm bảo chỉ tiêu được giao năm 2017-2018; tiếp tục triển khai bổ sung 15 tuyến trong năm 2018; đồng thời hoàn chỉnh các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ ngầm các tuyến phố, đến nay 80% tuyến phố đã được chỉnh trang hạ ngầm.
Chỉ thị 08 của Thành ủy cũng được các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tích cực triển khai. Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường tới hơn 23.000 hội viên; vận động gần 183.000 lượt hội viên tham gia tổng vệ sinh môi trường, thực hiện chương trình “đổi phế liệu, giữ màu xanh”, đã thu gom được trên 526.000 tấn rác thải, gây quỹ được gần 33 triệu đồng. Các đơn vị trong Hội cũng xóa bỏ 9 điểm chân rác để trồng hoa, cây xanh; trồng mới 3.260 chậu hoa, cây cảnh làm đẹp cảnh quan môi trường; vận động cán bộ, hội viên tham gia nạo vét hơn 2,4 nghìn m kênh mương...
Tương tự, Hội Cựu chiến binh Thành phố đã khảo sát toàn bộ số hội viên có nhà kinh doanh mặt phố, các điểm trông giữ xe ảnh hưởng đến văn minh đô thị, vệ sinh môi trường để tổ chức ký giao ước, cam kết không vi phạm. Qua 3 tháng vận động, đã có 2.700 gia đình cựu chiến binh có nhà kinh doanh mặt phố ở 4 quận nội thành và quận Thanh Xuân tự tháo dỡ mái che, mái vẩy, bục bệ, đồng thời, sắp xếp chỗ để xe gọn gàng, đảm bảo đường thông, hè thoáng cho người đi bộ. Ngoài ra, các cấp hội cựu chiến binh cũng duy trì, quản lý tốt hơn 300 tuyến đường “Cựu chiến binh tự quản”.
Nâng cao chất lượng xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”
(Ảnh minh họa: Internet)
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động, với việc ban hành 2 bộ Quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị và nơi công cộng, mục tiêu xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã có chuyển biến rõ nét. 2 bộ quy tắc này đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, nhiều đơn vị còn tổ chức ký cam kết thực hiện với quyết tâm cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện để tạo sức lan tỏa, gắn với mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô “Kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện”. Những nội dung trong bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng hết sức cụ thể, nhằm điều chỉnh hành vi, lời nói, thái độ ứng xử nơi công cộng, từng bước hình thành những chuẩn mực văn hóa để tạo chuyển biến rõ nét về nếp sống văn minh đô thị.
Bên cạnh đó, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được triển khai hiệu quả, đi vào chiều sâu. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ “Gia đình văn hóa” đạt 86,5%; tỷ lệ “thôn văn hóa” đạt 60%; tỷ lệ “tổ dân phố văn hóa” đạt 70,5%...
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động cho biết trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung giáo dục lối sống từ trong gia đình đến nhà trường, như nói chuyện chuyên đề về văn hóa; tiếp tục tuyên truyền hai quy tắc ứng xử tới từng người dân, đưa văn hóa ứng xử vào từng đơn vị, tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội trong đơn vị; phát huy sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức Thủ đô trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, mở lớp tập huấn cho các nhóm đối tượng, từng bước nâng cao nhận thức; tiếp tục đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, con người, nâng cấp các nhà hát của Hà Nội, đổi mới đa dạng các nhà văn hóa, trước mắt là nhà văn hóa thôn...
Theo Công thương