Hà Nội cắt sửa hơn 10.000 cây xanh trước mùa mưa bão 2017
Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội vừa có kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2017.
Tính đến hết tháng 3/2017, Công ty đã cắt sửa 10.000 cây xanh phục vụ tiêu chí phòng bão, chặt hạ 116 cây chết, sâu mục, nguy hiểm và giải tỏa 30 cây đổ. Công ty cũng kiểm tra, rà soát công tác chằng, chống các cây lưu niệm, cây quý hiếm trong các vườn hoa, công viên. Đối với cây mới trồng trên các tuyến phố, đã thực hiện lắp đặt cọc chống sắt với cây có đường kính lớn...
Cùng với công khai số điện thoại của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Công ty đã lập phương án giải tỏa năm 2017 với tình huống 500 cây bị đổ sau bão. Theo đó, sẽ bố trí 204 người tham gia lực lượng chủ lực để giải tỏa những cây đổ trong vị trí đe dọa tài sản, tính mạng con người. Sau 5 ngày kể từ khi cây đổ, sẽ hoàn thành dọn dẹp và trồng cây thay thế. Trường hợp giải tỏa khẩn cấp, sẽ bổ sung hơn 300 cán bộ để thực hiện nhiệm vụ.
Hà Nội cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão 2017. (Ảnh: VOV)
Liên quan đến công tác phòng chống mùa mưa bão năm 2017, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội lập kế hoạch triển khai công tác phòng, chống thiên tai năm 2017.
Theo đó, trong và sau khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội phân công các thành viên khẩn trương xuống địa bàn đã được phân công, phối hợp và chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các quận, huyện, thị xã đối phó với mưa, bão, úng ngập, thiên tai theo phương án đã được xây dựng.
Thành phố cũng sẽ tổ chức thường trực, dự báo, theo dõi chặt chẽ và thông báo kịp thời diễn biến mưa bão, lũ, úng ngập, thiên tai cần thông báo kịp thời về cấp độ, hướng bão và thời gian dự kiến bão đổ bộ để phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại. Bên cạnh đó, cảnh báo cho nhân dân đảm bảo an toàn về tính mạng trong bão lớn, ngập sâu.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố cũng nêu rõ nhiệm vụ, khi xảy ra úng ngập cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả trong việc vận hành tiêu úng, tranh thủ tiêu kiệt nước đệm trên các tuyến kênh tiêu. Vận dụng linh hoạt trong việc tiêu úng ngập nội thành và ngoại thành, ưu tiên việc tạo điều kiện tiêu thoát nước nhanh nhất khu vực nội thành.
Khi có sự cố, phải khẩn trương khắc phục hậu quả theo phương án đã xây dựng như khắc phục hệ thống điện lưới, giải tỏa cây đổ trên các tuyến đường, tuyến phố, vệ sinh môi trường. Điện, nước cũng cần được nhanh chóng cấp lại; khống chế dịch bệnh phát sinh và triển khai giúp đỡ những khu vực, những gia đình bị thiệt hại nặng, đặc biệt hộ chính sách, hộ neo đơn, khó khăn; nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất.
Ngoài ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai phải tổng hợp báo cáo nhanh trong từng ngày, báo cáo đầy đủ tình hình thiệt hại. Tổ chức phân loại, đánh giá tình hình thiệt hại; lập báo cáo tổng hợp diễn biến tình hình, công tác chỉ đạo ứng phó, nhu cầu cứu trợ và khắc phục hậu quả; đề xuất, kiến nghị theo quy định.
Hải Đăng (t/h)