Hà Nội ban hành thiết kế mẫu hè đường mới nhằm siết lại quản lý
Danh mục các dự án lát vỉa hè được thành phố phê duyệt với các yêu cầu chi tiết |
Thiết kế mẫu này bao gồm phần Hướng dẫn sử dụng, phần Bản vẽ mẫu để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, tham khảo khi lập thiết kế xây dựng, cải tạo, sửa chữa hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trước khi ban hành, các phương án thiết kế đã được trình chiếu, lấy ý kiến đoàn chuyên gia tư vấn thiết kế quy hoạch Mátxcơva (Nga). Bản thiết kế cũng được cập nhật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình thi công, bảo hành, bảo trì mới… theo định hướng của thành phố.
Cùng đó, các khu vực xung quanh công trình văn hóa, di tích, các công trình có yêu cầu kiến trúc riêng, các công trình cần bảo tồn, các tuyến phố đi bộ, các khu vực trước trụ sở các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế và các khu vực có công trình đặc biệt khác, vật liệu lát hè và kết cấu vỉa hè có thể được lựa chọn riêng biệt phù hợp với tính chất công trình, yêu cầu về bảo tồn và theo thiết kế được các cơ quan chuyên ngành thẩm định, phê duyệt.
Đáng chú ý, đi kèm Thiết kế mẫu là phụ lục tổng hợp danh mục các tuyến phố cải tạo chỉnh trang theo kế hoạch do UBND các quận, huyện, thị xã đăng ký. Đây là cơ sở quan trọng để các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện, không cho phép làm tràn lan, tùy tiện.
Đại diện Phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, để có được danh sách này, theo yêu cầu của thành phố, các quận huyện phải tự lên danh sách tuyến phố có nhu cầu chỉnh trang; họp xem xét thống nhất trong tập thể UBND, sau đó gửi về Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo thành phố quyết định.
Danh mục này chi tiết tới từng quận huyện, với tên từng tuyến phố cụ thể và các yêu cầu chi tiết trong khâu tổ chức thực hiện, nêu rõ phố nào lát hè sử dụng bằng đá tư nhiên; phố nào lát gạch Tezarro hoặc gạch bê tông vân đá; phố nào dùng gạch Block…
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý xây dựng, đây là nội dung rất quan trọng để chấn chỉnh những chệch choạc trước đây trong khâu tổ chức thực hiện các dự án lát vỉa hè; đảm bảo các dự án tới đây phải dược thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, hiệu quả.
Thiết kế mẫu cũng bao gồm các quy định làm rõ trách nhiệm của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các tổ chức có liên quan trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, cải tạo hè đường.
Trong đó, thành phố đặc biệt yêu cầu: Trên cơ sở kế hoạch sửa chữa cải tạo, chỉnh trang các tuyến phố (được nêu tại phụ lục đã nói trên), trước khi triển khai, UBND các quận, huyện, thị xã cần căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội và hiện trạng của từng tuyến phố để lựa chọn thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang.
Yêu cầu chung là phải đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mỹ quan khu vực; chỉ triển khai làm mới vỉa hè các tuyến phố khi đã xuống cấp, chất lượng không đảm bảo và đã đầu tư đồng bộ, ổn định hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, hạ ngầm đường điện, thông tin liên lạc, chiếu sáng...).
Các trường hợp còn lại chỉ tiến hành chỉnh trang tránh lãng phí. Quận huyện phải chịu trách nhiệm về việc phê duyệt kế hoạch cải tạo chỉnh trang các tuyến phố theo danh mục đã được thành phố ban hành; chỉ cấp giấy phép tạm thời sử dụng hè phố làm nơi để xe đối với những hè phố đã có kết cấu đảm bảo khả năng chịu tải trọng.
Quận huyện cũng có thẩm quyền lựa chọn chủng loại vật liệu lát hè đối với các dự án xây dựng hè đường trên địa bàn, để đảm bảo đồng bộ về cảnh quan, mỹ quan đô thị, phù hợp với mục tiêu, quy mô đầu tư của dự án.
XEM THÊM
Dự án kè chống sạt lở bán đảo Thanh Đa được người dân hoàn toàn ủng hộ TĐO - Nhiều năm qua, tình tình hình sạt lở ở bán đảo Thanh Đa gây rất nhiều nguy hiểm cho tính mạng, tài sản ... |
CNCF và những dự án vì trẻ em Việt Nam Thành lập từ năm 1989 đến nay, Hiệp hội bảo trợ trẻ em Christina Noble Children’s Foundation (CNCF) triển khai hơn 100 dự án tại ... |
Ra mắt dự án "Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật" tại Thành phố Huế Ngày 21/02, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (gọi tắt là Trung tâm ACDC) phối hợp cùng Sở Lao động Thương ... |