Nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, chiều ngày 31/7, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023 với chủ đề: Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giầy”.
Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực sụt giảm
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ sụt giảm mạnh sau nhiều năm tăng trưởng 2 con số. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài những tác động chung như xung đột địa chính trị, lạm phát, nhu cầu tiêu dùng giảm, theo ông Hoài nguyên nhân còn đến từ Mỹ khởi xướng điều tra với một số sản phẩm gỗ của Việt Nam đã tác động tiêu cực đến việc mua hàng từ các nhà nhập khẩu; và một số thị trường lớn đã "nội soi" các gỗ từ Việt Nam rất kỹ do có những yêu cầu quy định mới về môi trường.
“Ngoài những quy định trước đây đã áp dụng, cách đây một tháng Liên minh châu Âu (EU) lại ra quy định các sản phẩm gỗ phải đảm bảo không gây mất rừng, hay suy thoái rừng. Điều này cũng khiến gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này chậm lại”, ông Hoài nêu rõ.
Dù khẳng định những khó khăn vẫn có thể kéo dài, song ông Hoài cũng cho rằng, về lâu dài, các sản phẩm gỗ là nhu cầu quan trọng của con người, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi quốc gia thị trường lớn đều muốn sử dụng các sản phẩm có nguyên liệu tái tạo, thân thiện môi trường và thậm chí giảm rác thái phí nhà kính.
Trong khi đó, ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam có nhiều lợi thế như giá nhân công rẻ, nguyên liệu dồi dào và đặc biệt Việt Nam là quốc gia đi tiên phong trong sáng kiến bảo vệ rừng và đảm bảo truy suất nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Để lấy lại tăng trưởng xuất khẩu cho các sản phẩm gỗ, theo ông Hoài cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp thị sản phẩm gỗ của Việt Nam tìm kiếm thị trường, truyền tải thông điệp Việt Nam thực hiện mạnh mẽ cam kết cung cấp sản phẩm gỗ hợp pháp; chuẩn bị thực hiện nghiêm chỉnh quy định của EU.
Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cho rằng, hiện các doanh nghiệp trong ngành đang thiếu đơn hàng từ 30-50% đối với khách hàng truyền thống (Mỹ và EU). Theo đó, trong 7tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất ngành dệt may đạt 18,9 tỷ USD, giảm 15,1%
Bà Xuân dự báo tình hình này chưa thể chấm dứt ngay và có thể kéo dài đến hết năm 2024. Để bù đắp, xúc tiến thương mại là giải pháp tốt nhất hiện nay, đặc biệt là sự hỗ trợ của các thương vụ nước ngoài trong hoạt động này.
“Với những quy định mới và khó tại EU, Hoa Kỳ, bản thân doanh nghiệp trong nước rất lúng túng cần sự hỗ trợ thông tin và tham vấn chính sách của thương vụ.”, bà Xuân nêu rõ
Cần nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, áp lực lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước vượt qua thách thức, tận dụng được những cơ hội hiếm hoi, Thứ trưởng Hải đề nghị, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, đánh giá chính sách nước sở tại, từ đó kịp thời tham mưu cho Bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương; đưa ra khuyến cáo giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; tiếp nhận các ý kiến đề xuất của hiệp hội doanh nghiệp, địa phương để có kế hoạch hỗ trợ hiệp hội, địa phương trong công tác phát triển thị trường.
Ngoài ra, các thương vụ cần tăng cường phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu chú trọng nghiên cứu, phân tích chính sách, kịp thời đề xuất, khuyến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu.
“Cục Xúc tiến thương mại tăng cường phối hợp với các vụ thị trường ngoài nước, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin và dự báo xu hướng thị trường; tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn, xúc tiến thương mại cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả.", thứ trưởng Hải đề nghị.
Về phía các hiệp hội ngành hàng cần chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi đơn vị, chủ động chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường đặc biệt chuyển đổi xuất khẩu xanh, bền vững; tập trung cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ và các bộ, ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp thực hiện có hiệu quả.
“Các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của bộ, ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và quy trình, quy định, yêu cầu, điều kiện của các thị trường ngoài nước.", ông Hải lưu ý.