Giữa tâm dịch tả lợn châu Phi bùng phát, chọn thịt lợn sạch như thế nào?
Ăn thịt lợn mắc dịch tả châu Phi có bị lây bệnh không?
Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) cho biết, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do một loại virus trong máu, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh gây ra. Đặc điểm của bệnh này là lây lan rất nhanh trên loài lợn và ở mọi loại lợn với tỷ lệ chết 100%.
Không giống như cúm lợn, tả lợn châu Phi không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Điều đó nghĩa là nếu ăn phải thịt lợn mắc dịch tả châu Phi thì người ăn cũng không mắc bệnh tả này.
Ăn chín, uống sôi tuyệt đối không ăn đồ tái, tiết canh sống là cách để bạn và gia đình an toàn vượt qua tâm dịch tả lợn châu Phi. |
Tuy nhiên, theo phó giáo sư Nguyễn Bá Hiên (Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam), tả lợn không gây bệnh trên người nhưng lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt.
Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kĩ.
Khi lợn mắc bệnh tai xanh, liên cầu khuẩn tồn tại trong miệng và mũi con vật sẽ bùng lên. Người bị trầy xước hoặc có vết thương, tiếp xúc với lợn bệnh sẽ bị vi khuẩn xâm nhập. Người bệnh thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc tiêu hóa, nặng hơn là viêm màng não.
Cách chọn thịt lợn sạch giữa tâm dịch tả lợn châu Phi
Để chọn thịt lợn an toàn, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) hướng dẫn người dân cách nhận biết thịt nhiễm dịch tả lợn châu Phi:
Lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi có các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai trông giống như vết muỗi đốt. Bốn chân, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh. Khi mổ ra, lợn tả có dịch lẫn máu ở bụng và khoang ngực. Toàn bộ nội tạng, cơ thể đều xuất huyết, lá lách phình to, hạch bạch huyết lớn, phổi không bị xẹp, khí quản dính máu, chứa nhiều bọt, thận xuất huyết, niêm mạc dạ dày loét, ruột tắc và chứa máu.
Có thể nhận biết thịt lợn nhiễm dịch tả bằng mắt thường. Nếu thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, phần bì lấm chấm xuất huyết, tai lợn bị tím, khi chạm tay thấy chảy nhớt, rỉ nước... thì là thịt ôi hoặc thịt lợn mắc bệnh.
Thịt lợn khỏe mạnh có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường, ngón tay ấn vào không bị lõm hay rỉ nước.
Hiện nay, nhiều nơi sau khi xác nhận có lợn nhiễm dịch tả, các chủ cơ sở vẫn giết mổ lợn, sau đó sơ chế, tẩm ướp hóa chất, bán cho người tiêu dùng.
Bởi vậy, dịch tả lợn châu Phi không đáng sợ đối với sức khỏe của con người, điều quan trọng là người dân phải điều chỉnh chế độ ăn uống, nên ăn chín và uống sôi, không nên ăn thịt tái, ăn tiết canh.