Cật lực phòng chống dịch tả lợn châu Phi, nhiều người vẫn bán "chui"
Quảng Ninh phát hiện thêm một ổ dịch tả lợn châu phi Phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tại Quảng Ninh Đề nghị xử lý nghiêm việc đưa tin thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi |
Cán bộ Ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh kiểm tra nguồn lợn nhập về chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh Báo Tin tức |
Liên quan đến dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại Việt Nam, ngày 11/3, đoàn kiểm tra liên ngành của Ban công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình giết mổ TP. HCM, đã tới 4 địa điểm giết mổ lớn trên địa bàn để tiến hành giám sát chặt chẽ quy trình giết mổ cũng như vận chuyển thịt lợn đến các chợ đầu mối.
Trong đó, tại điểm giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi), đoàn kiểm tra phát hiện các cơ sở này chỉ nhập về khoảng 900 con lợn, thấp hơn nhiều so với số lượng 1.500 con mà đơn vị này thường giết mổ mỗi ngày trước đó. Tương tự, tại cơ sở giết mổ Xuân Thới Thượng, số lượng lợn giết mổ cũng giảm xuống còn 1.200 đến 1.300 con so với tổng số thường ngày là 1.500 con.
Sau khi kiểm tra tại các lò mổ Xuyên Á, Tân Thới Thượng, các cán bộ kiểm tra liên ngành đến các chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền để kiểm tra việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm Tp. HCM, cho biết, về mặt an toàn thực phẩm, có thể khẳng định dịch tả lợn châu Phi không lây lan qua người.
Tuy nhiên, trước thực trạng dịch đang lây lan mạnh tại các tỉnh phía Bắc, có thể xảy ra là lợn từ đây di chuyển vào các tỉnh phía Nam và đưa ngược trở lại địa bàn thành phố. Vì thế, nguy cơ về lây nhiễm bệnh, đặc biệt cho đàn lợn còn sống là rất lớn. Do đó, các cán bộ liên ngành đang kết hợp tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra từ các cửa ngõ vào thành phố, lò mổ đến các chợ đầu mối, để kiểm tra, xử lý các xe chở lợn vào khu vực này, bà Lan thông tin.
Trước đó, tại cuộc họp giao ban báo chí hôm 12/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, cả nước có hàng triệu hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và hầu hết không khai báo, đăng ký khi chăn nuôi, thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian. Dẫn đến tình trạng nhiều người dân bán lợn bệnh hoặc nghi bệnh, không báo cho chính quyền và cơ quan thú y.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng thừa nhận công tác phòng chống dịch còn rất nhiều khó khăn, dẫn đến chưa hiệu quả triệt để. Giá hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu huỷ theo quy định là 38.000 đồng mỗi kg lợn hơi, thấp hơn so với giá thị trường. Nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng.
Trước tốc độ lan nhanh và rầm rộ của dịch bệnh, giá lợn hơi mấy ngày nay cũng đi xuống. Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá giảm từ 53.000 đồng xuống còn 45.000 đồng một cân so với tuần trước. Tại miền Bắc, giá xuống mức thấp hơn nhiều, đặc biệt, tại các tỉnh có ổ dịch, có nơi chỉ 38.000-42.000 đồng/kg.