Giữ gìn văn hóa lễ chùa, xin lộc đầu năm của người Việt
Với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa, xin lộc đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Người Việt tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc sống mưu sinh và cũng là dịp để du xuân, vãn cảnh.
Người dân đặt kín lễ trước gian điện chính Phủ Tây Hồ vào sáng sớm ngày mùng 1 Tết (tức ngày 10/2). (Ảnh: Báo Tin tức) |
Phong tục này đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân. Từ người già, người trẻ đều chắp tay niệm Phật, người cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và người thân trong gia đình… Qua đó, không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn, hướng con người tới giá trị của chân - thiện - mỹ.
Đền Ngọc Sơn tại Hồ Gươm cũng rất đông người dân và du khách quốc tế đi lễ sớm. (Ảnh: Báo Tin tức) |
Tuy là cùng là một hình thức đi lễ chùa, xin lộc đầu năm nhưng ở hai miền Nam - Bắc có những nét đặc trưng khác nhau. Đối với người miền Bắc, khi đi chùa đầu năm thường phải có đồ lễ, hoặc hương hoa. Còn đối với người miền Nam, việc hành lễ đơn giản hơn, đầu năm đi lễ chùa thường không đem theo đồ lễ, nếu có cũng chỉ là hoa quả chứ không có đồ mặn như người miền Bắc.
Tục đi đến chùa làm lễ sau đó hái một nhánh cây đem về gọi là hái lộc. Theo quan niệm của người xưa, không có loài nào sinh sôi nảy nở và có sức sống mãnh liệt như loài cây. Mỗi độ xuân về, những chồi non nhú lên thể hiện sức sống tràn đầy sinh lực. Do đó, người ta đi xin lộc đêm giao thừa là để cầu mong có được sức sống dẻo dai, mạnh khỏe và có ích như loài cây.
Cành lộc được chọn thường là loại cây có phong cách, dáng dấp của người quân tử, thể hiện được sự bao dung và nhân ái. Cũng theo phong tục cổ truyền và quan niệm của người xưa, lộc xuân hái từ những cây như đa, sung, xanh, si sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp nhất. Còn hái lộc từ cây tùng, cúc, trúc, mai sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho mọi người trong gia đình.
Theo Thạc sĩ Giang Hữu Tâm, giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, thói quen đi chùa, hái lộc là một thói quen tốt, cần được lưu truyền và gìn giữ. Ông khẳng định, đi chùa là để noi theo những tấm gương giúp bản thân sống tốt hơn, thiện lành hơn.
“Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên thanh thản. Đi chùa đầu năm cầu duyên, cầu bình an, cầu tài, cầu lộc… là một nét đẹp văn hóa cần được lưu truyền, gìn giữ theo đúng hướng, tránh để lệch lạc, biến việc đi chùa thành thương mại hóa, để kẻ gian vụ lợi”, Thạc sĩ Hữu Tâm nhấn mạnh.
Người dân đi lễ chùa cầu bình an trong ngày mùng 1 Tết Sáng mùng 1 Tết, nhiều người dân TP Hồ Chí Minh đã đi lễ chùa, thắp hương cầu bình an, may mắn cho gia đình và người thân trong năm mới. |
Người Việt tại Lào đi lễ chùa ngày đầu năm mới Đầu năm đi lễ chùa để cầu mong những điều tốt đẹp nhất trong năm mới là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, luôn được giữ gìn bởi cộng đồng người Việt Nam tại thủ đô Vientiane, nước bạn Lào. |