Giới trẻ sáng tạo, truyền cảm hứng hành động vì môi trường
Đây là một số sáng kiến, giải pháp được giới thiệu tại Hội nghị Thanh thiếu niên toàn cầu diễn ra tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định vào cuối tháng 8 vừa qua.
Hội nghị Thanh thiếu niên toàn cầu (GYS 2023) do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Quỹ Hemisphere (Singapore) tổ chức. Tham gia Hội nghị có các chuyên gia, giám khảo, diễn giả quốc tế cùng hơn 120 thanh thiếu niên của 8 quốc gia, vùng lãnh thổ: Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Nigieria, Mongoria, Đài Loan (Trung Quốc).
Hơn 120 thanh thiếu niên Việt Nam và quốc tế tham gia Hội nghị Thanh thiếu niên toàn cầu. (Ảnh: ICISE) |
Với chủ đề Global warming – Rising sea level (Nóng lên toàn cầu – Nước biển dâng), GYS 2023 diễn ra nhiều hoạt động như: Workshop quản lý rác thải nhựa và biến đổi khí hậu; khám phá thiên nhiên và môi trường tại Trung tâm khám phá khoa học Quy Nhơn; triển lãm, thuyết trình các sáng kiến môi trường theo chủ đề của thanh thiếu niên tham gia Trại hè; diễn đàn đối thoại giữa thanh thiếu niên quốc tế với các chuyên gia, lãnh đạo bộ, ngành Trung ương; giao lưu văn hóa, tham quan làng chài Nhơn Lý, Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình nhằm hỗ trợ nghiên cứu môi trường bản địa, sinh kế người dân gắn với phát triển bền vững…
Trong các dự án nổi bật được giới thiệu tại Hội nghị, Joe Chen – Đại học Quốc gia Đài Loan và các cộng sự đã giới thiệu dự án về sáng chế một hệ thống để phát hiện các dữ liệu môi trường liên quan đến chất lượng không khí đang bị ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay. Em cũng đưa ra một số giải pháp phù hợp để thích ứng cũng như giảm thiểu khói bụi từ ô nhiễm không khí trong những khu vực có mật độ dân số đông đúc.
Từ hệ thống này, Joe Chen hy vọng cung cấp một công cụ nền tảng có thể được sử dụng để đo lường chất lượng không khí, giúp cho sự nghiên cứu của các nhà khoa học về khí hậu và phục vụ cho các bản tin dự báo kịp thời.
Đến từ Campuchia, Fy Ena và Smael Shafeak (14 tuổi) chia sẻ sáng kiến sử dụng chất thải nhựa để tái chế thành những đồ dùng hữu ích trong cuộc sống như dùng các vỏ chai nước nhựa để biến hoá thành những chiếc giỏ hay các hộp đựng đồ…
Đối với các rác thải nhựa không được tái chế khác như vòng nhựa nắp chai, các em khéo léo sáng tạo thành những chiếc xách xinh xắn có thể dùng khi đi chơi, du lịch và nhóm em làm chỉ mất khoảng 1 – 3 tiếng để hoàn thành. Khi mang các sản phẩm trình bày với Ban giám khảo tại Hội nghị, các em đã bán thành công 2 món đồ tái chế với giá 4 đô la.
Nguyễn Nguyệt Linh (Việt Nam) giới thiệu về dự án “A.C.T” của em và các bạn trong nhóm. Nhóm đã tổ chức những buổi triển lãm liên quan đến việc bảo vệ hành tinh và mang đến những địa điểm như các quán café, các trung tâm giáo dục… để có thể truyền tải thông điệp mà các em muốn chia sẻ đến mọi người.
Nguyễn Nguyệt Linh cho biết: em thực hiện dự án này dựa trên những kinh nghiệm và các dự án trước đó em đã làm, như cách em tác động đến nhận thức của mọi người thông qua việc thực hiện các chương trình hoạt động bảo vệ môi trường và tuyên truyền để mọi người hưởng ứng. Theo đó, em kêu gọi mọi người cùng tham gia vào các hoạt động về môi trường tại trường lớp, khu vực em sinh sống… Từ đó em có thể lan toả được tình yêu môi trường đến nhiều người hơn cũng như thay đổi được hành vi, nhận thức của họ, đặc biệt là các em nhỏ đến việc bảo vệ môi trường sống xung quanh mình.
Em Fy Ena trái và em Smael Shafeak (Campuchia) mang đến Hội nghị sáng kiến sử dụng chất thải nhựa tái chế đồ dùng hữu ích. (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường) |
Bà Ang Swee Ann – Chủ tịch sáng lập Quỹ Hemisphere – Singapore đánh giá cao GYS 2023 được tổ chức tại Việt Nam. Hội nghị đã kết nối được rất nhiều bạn trẻ từ khắp các nước quan tâm đến môi trường và thể hiện được quan điểm, cũng như ý tưởng của mình qua các bài tham luận, các bài thuyết trình, qua nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo từ đồ dùng có thể tái sử dụng.
Các khuyến nghị, thông điệp và sáng kiến xanh sẽ được gửi tới các bên liên quan sau Trại hè – Diễn đàn nhằm kết nối và tối ưu hóa nguồn lực để hỗ trợ thanh thiếu niên thực hiện hiệu quả các “Sáng kiến xanh” với sự thúc đẩy của mạng lưới “Thủ lĩnh xanh” – lực lượng nòng cốt trong các hoạt động truyền thông lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường sống trong cộng đồng, xã hội ở Việt Nam. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường của học sinh, sinh viên, thúc đẩy nguồn nhân lực xanh, tăng trưởng xanh đến năm 2030 cho Việt Nam nói riêng, các nước châu Á nói chung.