Giới trẻ ngày càng sẵn sàng mạo hiểm tính mạng để có được tấm ảnh ấn tượng đăng trên Instagram
Nhà nhiếp ảnh 22 tuổi, Brandon Trahan thường xuyên ghé thăm các thác nước trong thành phố để chụp ảnh - một địa điểm giờ đây đã trở nên rất nổi tiếng trên Instagram.
Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ chụp ảnh tại đường Chedoke ở Hamilton, thành phố Ontario (Canada), anh và bạn bè trở về nhà trong khung cảnh tuyệt đẹp của con đường nằm trong trung tâm thành phố với những ngọn đồi thoai thoải.
Khi con đường chính bị một vũng bùn khá lớn chắn lối, Trahan và bạn bè quyết định đi sang một con đường lạ khác. Trahan dẫn đầu, chọn mặt đá làm điểm tựa cho bước chân. Bất thần nghe một tiếng hét, anh quay lại phía sau và thấy bạn mình trượt chân ngã. Cô bạn té sấp xuống mặt đá dẫn đến vỡ quai hàm và bị trật khớp tay.
Đó là cũng một trong những vụ bị thương nghiêm trọng nhất mà anh từng chứng kiến.
"Khi bắt đầu đi xuống con đường nguy hiểm hơn, chúng tôi không chụp ảnh" Trahan nói với trang Vice. "Chụp ảnh đẹp ở những nơi hiểm trở thực sự rất nguy hiểm."
Trong những năm gần đây, Hamilton - hay còn được gọi là Thác nước của thế giới đã được rất nhiều nhiếp ảnh gia nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp đến thăm. Tìm kiếm bất kỳ thác nước nào trên Instagram, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy, hàng nghìn những bức ảnh khoe chân lủng lẳng ở rìa mỏm đá hay những bức ảnh selfie ở độ cao ngất ngưởng. Dù những bức ảnh mạo hiểm nhận được rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng nhưng số vụ chấn thương, kể cả tử vong đang ở mức đáng báo động.
Năm ngoái, đội cứu hỏa Hamilton đã thực hiện 25 vụ giải cứu bằng dây thừng quanh thác nước, tăng 65% so với năm 2015. Năm nay, nhiều vụ giải cứu được thực hiện, trong đó, nhiều nạn nhân đã bị thương hoặc thậm chí tử vong.
Điều đáng lo ngại hơn nữa là vấn đề này không chỉ xảy ra ở địa phương.
Chỉ trong tháng này, 2 chị em vừa được cứu thoát từ vách đá Scarborough Bluffs sau khi cố gắng chụp ảnh "tự sướng". Trong khi đó, hai người đàn ông mang theo máy ảnh đã bị cảnh sát bắt giữ vì leo lên cầu Lions Gate ở độ cao 15-20m.
Trên thế giới, lượng người tử vong do chụp ảnh tăng lên đáng kể do nhiều nguyên nhân như chết đuối, bị tàu hoả đâm hoặc trượt chân ngã từ trên cao. Đầu năm nay, một phụ nữ 21 tuổi đã chết đuối tại một đập nước khi cô và bạn bè chụp ảnh "tự sướng" trên một mỏm đá gập ghềnh tại sông Waikato, New Zealand. Vào tháng 3 vừa qua, 2 thiếu niên đã tử vong do rơi xuống vách núi trong lúc chụp hình tại Vương quốc Anh. Và một vài tháng sau đó, một người đàn ông đã chết do xe lửa đâm trúng khi anh và bạn bè chụp hình selfie trên đường ray.
Các nhà chức trách thực sự quan ngại trước thực trạng trên và đang đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn sự tiếp diễn của tình trạng này.
Kara Bunn, quản lý công viên Hamilton đã thi hành nhiều biện pháp an toàn quanh thác nước để ngăn chặn các thương vong có thể xảy ra. "Thực sự là không đáng," Bunn nói về những người mạo hiểm mạng sống của mình chỉ vì những bức ảnh đăng Instagram. "Tôi nín thở khi xem những người này. Dù là một nhà mạo hiểm dày dạn kinh nghiệm đi chăng nữa thì chỉ một bước sẩy chân cũng khiến bạn rơi thẳng xuống vực thẳm."
Để ngăn chặn các vị khách sử dụng những con đường nguy hiểm, Bunn đã dựng hàng rào mắt xích và bảng hiệu cảnh báo nguy hiểm cũng như luật lệ và tiền phạt 10,000 USD (khoảng 227 triệu đồng) nếu họ vi phạm. Thậm chí, Bunn còn dựng lên những con đường giả với nhánh cây gãy và các mảnh vỡ.
Cô gái mạo hiểm để có một bức ảnh đẹp trên mặt đá trơn trượt tại thác nước
Bunn nói một lượng lớn khách tham quan biết đến thác nước là qua mạng xã hội.
"Tin tức lan rất nhanh trên mạng xã hội vì bức ảnh ‘ngầu’ mà bạn đứng trên thác nước khiến cho người khác cũng chụp với một dáng ‘ngầu’ như vậy." Bunn nói. "Nhưng người ta không biết sự nguy hiểm đằng sau bức ảnh. Nên rất nhiều người đến, cố gắng chụp một kiểu mà không hề biết họ có thể gặp những nguy hiểm gì."
Để có những bức ảnh sáng tạo, thu hút trên Instagram và các mạng xã hội khác có thể khó hơn chúng ta nghĩ. Cho nên người ta thường lựa chọn làm những việc nguy hiểm để có một bức ảnh cực ‘chất’.
Bất kể nguy hiểm, nhiều người phiêu lưu vẫn tiếp tục liều lĩnh chụp ảnh ở những khu vực như vậy ở cả trong và ngoài Hamilton để đăng tải Instagram. Điều này cũng dễ hiểu bởi cái viễn cảnh có một bức ảnh hoàn hảo khiến các nhà nhiếp ảnh sẵn sàng dấn bước ra xa hơn một chút. Như bất cứ nghệ sĩ nào khác, việc đạt được mục tiêu đó khiến họ vô cùng thoả mãn và có thể thu được kha khá tiền.
Bức ảnh được chụp ở độ cao khiến người xem run sợ
Adrian C ở New York hay @opoline trên Instagram là một trong những người chụp ảnh sẵn lòng leo đến tầng thượng của những tòa nhà chọc trời để chụp ảnh ở độ cao nổi da gà.
Với hơn 54.000 người theo dõi trên Instagram, Adrian đã mạo hiểm rất nhiều. Theo anh, một trong những thành tích nổi bật nhất là lên đến tầng thượng tòa nhà 432 Park Avenue, tòa nhà cao nhất bán cầu tây (cao 426 mét). Để thực hiện nhiệm vụ này, Adrian đã phải nghiên cứu chuẩn bị kĩ càng. Đến ngày thực hiện ý tưởng, anh ăn mặc như nhân viên thi công xây dựng lúc 4 giờ sáng và suýt bị an ninh bắt trên mái và phải trèo lên cần cẩu để lên được rìa toà nhà.
"Khi bắt đầu trèo lên, bạn biết bạn sẽ gặp phải những gì rồi đấy. Bạn chỉ nên chấp nhận mạo hiểm sau khi tính toán." Adrian nói. "Một khi bạn đã quyết định, không gì có thể ngăn cản bạn. Cái ý tưởng này lớn dần và trở thành nỗi ám ảnh. Và bạn phải thực hiện ý tưởng đó." Adrian nói, mỗi khi bước ra khỏi tòa nhà, anh lại muốn lặp lại điều đó thêm một lần nữa bởi lượng chất adrenaline tiết ra khiến người ta muốn mạo hiểm.
Khi được hỏi về lý do của sở thích này, anh chia sẻ, "Ví dụ, một bức tường lớn xuất hiện trước mặt bạn. Vài người sẽ chỉ nghĩ về thứ gì phía sau bức tường. Chúng tôi là những người trèo qua bức tường đó. Chúng tôi nhìn thấy chuyện gì đang xảy ra ở bờ bên kia. Chúng tôi quay trở về và đưa ảnh cho những người không thể vượt qua bức tường." Anh nói, "Tôi đoán rằng tôi được sinh ra để làm vậy."
Adrian nói: "Tôi không phải là người có quyền khuyên bạn không nên mạo hiểm, nhưng nếu bạn có ý định, hãy cố gắng cẩn thận nhất có thể. Bạn đang chấp nhận rủi ro rất lớn."
Trahan cũng đưa ra ý kiến tương tự, tuy nhiên với giọng điệu thận trọng hơn: "Đôi khi chúng ta phải bước ra khỏi vùng an toàn mới có thể sở hữu những bức ảnh đẹp nhưng không phải đến mức làm cho mạng sống mình nguy hiểm", anh chia sẻ.
Giáo sư xã hội học Anabel Quan-Haase thuộc Đại học Western Ontario nhận thấy, mạng xã hội có tác động mạnh mẽ đến quyết định trong đời sống thực của con người.
Mặc dù Quan-Haase không khuyến khích giới trẻ xem thường mạng sống, cô đưa ra quan điểm rằng, mạo hiểm là một phần của trưởng thành và đôi khi lại là yếu tố cần thiết để thành công ở một chừng mực nào đó.
Grey Spiderum