Giới nghệ sĩ hy vọng dự án xây nhà hát 1.500 tỉ xứng đáng với số tiền đầu tư
Cụ thể, phía ủng hộ xây dựng nhà hát cho rằng, đây sẽ là công trình văn hóa quan trọng của thành phố, một công trình của Việt Nam mang tầm vóc quốc tế. Nhưng phía không đồng tình thì nghĩ, nên để dành kinh phí đó đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện…, xây nhà hát như thế là lãng phí vì không có nhiều khán giả của thể loại âm nhạc hàn lâm này… Bên nào cũng có cái lý riêng của mình.
Tranh cãi về công trình văn hóa mang tính “biểu tượng”
Mặc dù chủ trương này đã được HÐND TP.HCM thông qua sau một phiên họp bất thường mới đây, song những câu hỏi: Mục đích của việc xây dựng nhà hát này là gì? Nhà hát sẽ phục vụ cho ai và đem lại lợi ích gì cho người dân?... thì chưa được TP trả lời thuyết phục.
Cho đến giờ này, những thông tin, những ý kiến ủng hộ dự án nhà hát nghìn tỉ của thành phố vẫn chưa hoặc rất ít khi đề cập đến những câu hỏi nêu trên, thay vào đó, hầu hết câu trả lời chỉ tập trung vào một ý: Ðây là dự án mang tính biểu tượng của thành phố, xứng tầm quốc tế.
Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM.
Cũng sẽ không có tính thuyết phục cao nếu nói TP.HCM dành kinh phí đó cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện… thay vì xây nhà hát nghìn tỉ, bởi văn hóa rất cần phải phát triển đi đôi với kinh tế, xã hội và muốn văn hóa phát triển thì tất yếu phải đầu tư cơ sở vật chất và con người.
Tuy nhiên, nếu chủ trương xây dựng nhà hát nghìn tỉ chủ yếu chỉ để tạo nên một công trình mang tính biểu tượng của thành phố, xứng tầm quốc tế như nhiều ý kiến khẳng định là chưa ổn, bởi thực tế, những nhà hát giao hưởng vũ kịch nổi tiếng thế giới đều xuất phát từ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Ðó là chưa kể, mỗi nhà hát “vĩ đại” đó đều có câu chuyện thật gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước, con người và văn hóa bản xứ chứ không phải cứ bỏ nhiều tiền ra làm cho hoành tráng là được công nhận đó là “biểu tượng”.
Vì thế, để chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng nghìn tỉ được đông đảo người dân ủng hộ thì TP HCM cần cho mọi người dân đều thấy rõ mục đích, ý nghĩa và giá trị thiết thực của nhà hát khi nó hiện hữu thay vì chỉ là những giá trị mang tên “biểu tượng”.
PGS.TS Phan An, Nhà nghiên cứu văn hóa cho biết: Nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật ở TP.HCM ngày càng tăng cao trong thời gian qua, trong đó có thể loại giao hưởng, thính phòng. Thế nhưng, xây một nhà hát tầm cỡ quốc tế lúc này thì chưa cần thiết, đó có thể là dự án trong tương lai 5-10 năm nữa.
Theo ông, tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM hiện vẫn còn khó khăn, nhu cầu của người dân thành phố về âm nhạc giao hưởng cũng không cao. Xây một nhà hát quy mô như thế mà không có mấy khán giả thì cũng xem như chưa hợp thời.
Ngoài ra, ông cũng không đồng quan điểm khi cho rằng nhà hát nghìn tỉ đó sẽ là công trình văn hóa mang tính biểu tượng của thành phố. Ông cho rằng đó chỉ là cái cớ để người ta đồng tình về chủ trương này.
“Một số nước có nhà hát nổi tiếng, là biểu tượng văn hóa như Australia, Nga, nhưng không phải vì thế mà chúng ta nghĩ rằng, bỏ 1.500 tỉ đồng ra xây nhà hát thì nó sẽ trở thành biểu tượng của TP HCM, tôi không tin như thế”, PGS.TS Phan An nói.
Giới nghệ sĩ nhiều người ủng hộ
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM cho hay trong 3 ngày qua ông đã biết phản ứng trái chiều từ dư luận khi chủ trương đầu tư Nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ ở Thủ Thiêm được thông qua. Theo nhận định của ông, có một số người lập luận về sự phung phí, lãng phí…khi nhà hát đi vào hoạt động nhưng đây là sự nhầm lẫn, bởi đây là những giá trị văn hóa, không phải giá trị kinh doanh.
Theo ông Thạch, với nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân TP thì việc xây dựng nhà hát là rất bức thiết.
“Trong thiết kế đô thị thì phải có hạng mục nhà hát, cũng giống như cuộc sống có cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần” – nhạc trưởng Trần Vương Thạch nhận định.
Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM cho biết ngay từ bây giờ chứ không cần tới lúc nhà hát mới được xây, khán giá của loại hình này đang phát triển rất tốt, trong đó có giới trẻ.
“Tại sao lại phung phí khi mình đặt vấn đề xây dựng một đời sống văn hóa phục vụ nhân dân. Để thực hiện mục tiêu lớn đó, Thành phố phải có những thiết chế văn hóa, đó là những nhà hát” – ông Thạch nói và cho biết không phải có chỉ có 1 nhà hát mà ở các quận các huyện cũng cần có nhà hát, để người dân khắp nơi được hưởng những gì tốt nhất.
NSƯT Tạ Minh Tâm, Phó giám đốc nhạc viện TP.HCM cho rằng việc xây dựng dự án nhà hát là món nợ mà các cấp lãnh đạo đã nợ nền âm nhạc thành phố từ nhiều năm nay bởi dự án đã được lên kế hoạch xây dựng từ trước đó rất lâu. Anh tin rằng không riêng gì mình mà chắc chắn sẽ có rất nhiều người đồng ý với quyết định này của HĐND TP.
“Phải hiểu rằng nhà hát là công trình phúc lợi cả về mặt vật chất lẫn tinh thần chứ không phải xây nên để cho có hay lãng phí tiền của của nhân dân. Nếu có điều kiện, tôi khuyến khích không chỉ xây một mà cần nhân rộng nhiều nhà hát trên địa bàn TPHCM.
Trong nhiều năm chúng ta bỏ tiền để xây vài chục bệnh viện, vài trăm trường học thì việc bỏ ra 1.500 tỷ để có một bộ mặt văn hóa mang ý nghĩa để đời liệu có là nhiều? Cũng như vấn đề bắn pháo hoa, mọi người tranh cãi về việc có lãng phí hay không, nhưng thực tế mỗi dịp lễ Tết từ xưa tới nay bất cứ ai cũng đều vui vẻ khi thưởng thức nó”, NSƯT chia sẻ.
“Trách nhiệm của các lãnh đạo là làm thế nào để chứng minh cho người dân thấy mọi công tác xây dựng, quản lý và điều hành đều phải thật sự minh bạch, đúng tiến độ. Có như thế mới khiến người dân đồng tình, cảm thông và chia sẻ”, anh nói thêm.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mong nhà hát được xây dựng xứng đáng với số tiền bỏ ra.
Ở vị trí ca sĩ tự do, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết anh rất ủng hộ quyết định xây dựng nhà hát của UBND Thành phố. Tuy nhiên, điều anh và cũng như mọi người dân khác mong mỏi là được nghe các cơ quan có liên quan trình bày cụ thể về chức năng và các tiện nghi bậc nhất, hiện đại nhất, văn minh nhất để mọi người đều thấy mọi thứ là xứng đáng với số tiền bỏ ra.
“Cho tới giờ phút này tại Việt Nam cũng chưa có một sân khấu hay nhà hát nào đủ "tuổi" để mời các sao lớn của thế giới đến trình diễn. Hoặc có những lễ hội vô cùng đặc biệt khiến hàng triệu khán giả Việt mơ ước một lần đặt chân đến. Đó cũng là niềm hãnh diện cho thành phố này, thế thôi! Tôi ủng hộ với điều kiện nhà hát được làm đúng tầm và có tâm”, Đàm Vĩnh Hưng bày tỏ.
V.H (t/h)