Gìn giữ mộc bản Phật giáo tại Huế
Hệ thống mộc bản Phật giáo đồ sộ
Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có đợt khảo sát hệ thống mộc bản ở 13 chùa và tư gia lâu đời tại địa phương và đã thống kê có 2.933 ván khắc các loại được lưu giữ, trong đó riêng tại chùa Từ Đàm hiện có 1.319 mặt khắc.
Theo nhiều nhà nghiên cứu tại Huế, hệ thống mộc bản Phật giáo tại Huế chỉ đứng sau chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Hệ thống mộc bản này gồm nhiều loại: kinh, luật, luận, khoa nghi, sớ điệp...; chủ yếu được khắc bằng chữ Hán, một số ít mộc bản khắc chữ Nôm và chữ Phạn.
Kho lưu giữ 1.319 bản khắc mộc bản Phật giáo tại chùa Từ Đàm (TP Huế)
Hòa thượng Thích Hải Ấn, Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh cho biết, công việc sưu tầm, bảo tồn mộc bản Phật giáo tại Huế đã thực hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan nên đến bây giờ mới có dịp khảo sát và thống kê rộng rãi. Khi thực hiện, rất nhiều nhà nghiên cứu ở Huế đã quan tâm và hỗ trợ nhiệt tình.
“Phần lớn các mộc bản mà chúng tôi khảo sát được khắc dưới thời nhà Nguyễn. Riêng bản khắc cổ xưa nhất là bộ kinh Kim Cang khắc năm Chính Hòa thứ 19 (tức 1698) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là mộc bản kinh Phật có niên đại xưa nhất tại xứ Đàng Trong được tìm thấy”, hòa thượng Thích Hải Ấn cho biết.
Mộc bản Phật giáo không chỉ được lưu giữ ở các chùa lâu năm, mà còn tồn tại và được gìn giữ cẩn mật ở các tư gia như: từ đường Đào Lý Phương Viên của dòng họ Đặng (số 120 Mai Thúc Loan, TP Huế) với 314 mặt khắc; nhà thầy Mãn ở phường Vỹ Dạ (TP Huế) với 18 mặt khắc…
Hòa thượng Thích Hải Ấn cho rằng, có thể vẫn còn nhiều ngôi chùa tại các vùng quê ở Huế hay các tư gia, nhà thờ, phủ đệ lưu giữ mộc bản Phật giáo mà đoàn khảo sát chưa tiếp cận. Điều này cho thấy Huế hiện lưu giữ mộc bản Phật giáo với số lượng lớn.
Di sản mộc bản Phật giáo ở Huế từ lâu là mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội – nhân văn, về ngôn ngữ học, về thư tịch cổ và lịch sử Phật giáo xứ Đàng Trong.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, nguyên Giám đốc Phân viện VHNT Việt Nam tại Huế nhận định: Di sản mộc bản Phật giáo ở Huế là một tài sản vô giá, chứa đựng nhiều tư liệu; và có không ít tác phẩm nghệ thuật đáng được gìn giữ. Đây không chỉ là dạng kinh sách thuần túy, mà còn là di vật chứa nhiều giá trị khác: Thủ bút của nhiều danh nhân; những tác phẩm điêu khắc hội họa có giá trị lớn về nghệ thuật; kỹ thuật điêu luyện của ngành nghề thủ công điêu khắc truyền thống; nghệ thuật thư pháp của các tác giả nổi tiếng…
Tìm cách bảo tồn và phát huy
Hòa thượng Thích Hải Ấn cho rằng: Mặc dù các chùa và tư gia đã bảo lưu, gìn giữ mộc bản kinh Phật rất cẩn thận nhưng nếu xét theo chuyên môn, cách thức lưu giữ thì vẫn chưa “an toàn”, bởi thời tiết mưa ẩm ở Huế rất bất lợi. Hiện nay, tại chùa Từ Đàm cũng chỉ dành một căn phòng chưa đầy 10m2 để bảo quản; và để tránh ẩm, nhà chùa phải thắp sáng điện thường xuyên. Thực tế, hệ thống mộc bản Phật giáo tại chùa Từ Đàm đang lưu giữ là của một số chùa không có điều kiện bảo quản gửi.
Sau khi mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới (năm 2012) thì năm 2013, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV cũng đã đoàn chuyên môn đến khảo sát mộc bản Phật giáo ở Huế. Tuy nhiên vẫn chưa tiếp cận đầy đủ và sâu rộng về mộc bản tại Huế.
Theo một số nhà nghiên cứu, mộc bản Phật giáo ở Huế không nên lưu giữ rời rạc ở nhiều nơi, dễ dẫn đến việc thất lạc hay điều kiện bảo quản không tốt ảnh hưởng; thay vào đó nên thành lập một điểm lưu giữ có đầy đủ điều kiện kỹ thuật. Hòa thượng Thích Hải Ấn cho biết, để thực hiện việc này, GHPGVN tỉnh đã có văn bản xin UBND tỉnh, thành lập chùa Viên Giác (đường Lịch Đợi, TP Huế). Đây là ngôi chùa có lịch sử hơn 300 năm đã bị chia cắt, phân bố trong dân cư và vừa được GHPGVN tỉnh thương lượng, vận động mua lại. Trên cơ sở đó, khi tôn tạo lại chùa này, GHPGVN tỉnh sẽ vận động thành lập một Trung tâm di sản văn hóa Phật giáo đặt tại đây. “Ngoài việc lưu giữ, trưng bày hệ thống mộc bản Phật giáo hiện có; trung tâm này cũng sẽ lưu giữ nhiều di sản Phật giáo như tượng Phật cổ, Pháp y… Thời gian qua, nhiều ngôi chùa ở Huế đã bị kẻ gian đánh cắp nhiều tượng cổ có giá trị”, hòa thượng Thích Hải Ấn nói thêm.
Cũng trong đợt khảo sát vừa qua, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế (thuộc GHPGVN tỉnh) đã kết hợp với họa sĩ Phan Hải Bằng (trường ĐH Nghệ thuật Huế) thực hiện in một số bộ kinh quan trọng từ mộc bản ra nền giấy trúc chỉ. Thông qua các bản in này, giá trị nghệ thuật của mộc bản Phật giáo càng được thể hiện rõ nét, như trong bộ kinh Kim Cang thời chúa Nguyễn Phúc Chu có mặt khắc là hình ảnh đồ họa của hòa thượng Thạch Liêm vẽ với đường nét điêu luyện, có giá trị nghệ thuật nổi bật.
Việc bảo tồn hệ thống di sản mộc bản Phật giáo ở Huế cần được quan tâm từ các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương và cộng đồng; và nên thực hiện cấp bách để tránh bị hư hại, thất thoát.
Theo Văn Hóa