Giao thông cần… người điên để "bớt điên"
Vừa đến quán café, tiếng ông anh của tôi đã vang lên sang sảng: Mày đi mất bao lâu tới đây? "Đường đông quá, em chạy gần tiếng mới tới", tôi trả lời.
Ông anh trách ngay: "Sao mày kém thế. Chạy Lê Văn Lương, đường BRT chẳng có xe nào cả. Anh chạy tới đây mất 10 phút, một mình một làn BRT, tốc độ lúc nào cũng 60 km/h. Nhìn lũ điên đứng xếp hàng bên cạnh mà buồn cười".
"Em cũng vừa bị người ta chửi điên xong. Em đi tới ngã tư, đèn xanh còn 3 giây. Em thấy ngã tư lớn, cố vượt kiểu gì cũng tắc nên em dừng lại. Phía sau bỗng có tiếng vang lên: Điên à".
Chấp hành luật giao thông quá cũng dễ bị người khác coi là... điên?
Xã hội bây giờ quả là lắm "người điên" như tôi. Vài hôm trước, ngã tư Quan Nhân – Cầu Giấy xuất hiện một phụ nữ trung tuổi, cầm gậy điều tiết giao thông. Đâu đó vang lên tiếng chửi: "Đồ điên, tự dưng ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".
Người phụ nữ đó làm tôi nhớ về anh thanh niên đầu trọc, cầm… điếu cày ngăn những người đi xe máy chạy lấn làn trên phố Trương Định năm 2011. Ai đó khi bị anh ngăn lại cũng đã lầm bầm mắng anh điên.
Tại một ngã tư Sài Gòn cách đây không lâu, 2 vị khách nước ngoài đứng ở ngã tư ngăn người dân vượt đèn đỏ. Ở Hà Nội, một ông tây đứng giữa ngã ba đường Trần Bình Trọng – Trần Nhân Tông yêu cầu tất cả những xe đi ngược chiều phải quay lại.
Một chiếc xe máy bị chặn lại, người lái xe khó chịu, lách khỏi vị khách nước ngoài này tiếp tục đi ngược chiều thì bị ông nắm đuôi xe kéo giật ngược lại. Anh ta cáu và lại thêm một người nữa bị gọi là điên.
Chính tôi trong một lần chạy xe trên phố Hàng Gai, thấy một nhóm khách nước ngoài loay hoay ở vạch sang đường. Tôi chủ động dừng xe nhường cho họ sang đường (điều này có trong luật, nhưng phần lớn người tham gia giao thông đều không thực hiện).
Vài chiếc xe máy lách lên, thò cổ vào xe tôi chửi xối xả: Điên à?
Đôi khi tôi tự hỏi bản thân: Phải chăng người tham gia giao thông ở Hà Nội "tỉnh" quá nên giao thông của chúng ta mới trông giống một mớ hổ lốn thế này.
Những con đường có phân làn rõ ràng, những cột đèn tín hiệu, những đoạn đường một chiều, hai chiều, đường cho phép rẽ phải, những vạch kẻ đường… Tất cả chắc là sản phẩm của những kẻ… điên.
Nếu bạn hỏi 10 người nước ngoài về sự… tích cực trong giao thông Việt Nam, cả 10 người sẽ cho bạn câu trả lời như sau: "Tôi cho rằng, mỗi người lại cảm thấy anh/chị ta nên đi theo một lộ trình khác nhau. Không ai giống ai cả".
Người tỉnh sẽ biết cách thoát khỏi một ngã tư đông đúc theo cách của riêng anh ta, để mặc một đám đông tắc nghẽn phía sau. Họ ngoảnh lại nhìn thỏa mãn và giống như ông anh tôi, họ hả hê mắng những người đi đúng luật là "điên".
Tôi chợt nhớ tới một ví von vui: "Trong xã hội toàn những kẻ ở truồng, thì đứa mặc quần là đứa… khiêu dâm".
Có phải chúng ta đã chấp nhận sự lộn xộn và coi nó như một phần bản sắc văn hóa nên những người đi đúng luật đều điên hết hay không?
Đừng coi thường chuyện này. Bởi cho đến khi nào những người lái xe một cách chuẩn chỉnh, đúng luật và biết nhường nhịn nhau; những người giúp cho giao thông được thông suốt, dù đó thực tế không phải nhiệm vụ của họ, vẫn bị coi là điên, có nghĩa là chúng ta vẫn chưa chấp nhận sự văn minh.
Tôi chỉ ước giá như giao thông của chúng ta toàn người điên, nó hẳn sẽ bớt điên hơn rất nhiều.
Bảo Nam