Giáo sư Ngô Vĩnh Long – Khoa Lịch sử, Đại học Maine, Mỹ: Nếu Trung Quốc không thực thi phán của tòa PCA thì có thể bị kiện tiếp
Giáo sư Ngô Vĩnh Long – Khoa Lịch sử, Đại học Maine, Mỹ
• Thưa ông, dư luận Trung Quốc đánh giá như nào về việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện?
Theo tôi, tại Trung Quốc, tỷ lệ người biết tiếng Anh không nhiều. Những người trẻ theo tôi hiểu họ cũng ít quan tâm tới các vấn đề chính trị. Lòng yêu nước, chủ nghĩa Hán tộc của họ lại bị điều khiển bởi các luận điệu của chính phủ nên rất lệch lạc, cực đoan. Nó xuất phát từ cách đây hàng nửa thế kỷ nhưng hiện tại, nó bị biến thành chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước một cách mù quáng nên họ luôn nghĩ chủ quyền của họ tại Biển Đông là đúng. Tôi đọc được trên các trang thông tin từ Trung Quốc, Chính phủ nước này, đến hiện tại, sau phán quyết PCA, vẫn tuyên bố là: “Biển Đông là của Trung Quốc từ ngàn xưa”. Họ không từ bỏ những lập luận cũ rích, không có bằng chứng lịch sử. Giờ họ cho rằng Trung Quốc đang bị cả thế giới ăn hiếp, lừa đảo.
Ở Trung Quốc có một hai học giả chống lại việc Trung Quốc không chấp hành quyết định của Tòa trọng tài quốc tế như học giả Lý Lệnh Hoa nhưng ý kiến của họ không có tác động, không được lắng nghe.
• Vậy dư luận quốc tế về vấn đề Trung Quốc không thực thi phán quyết của Tòa trọng tài như thế nào, thưa ông?
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, càng ngày, người Mỹ càng hiểu thêm về Trung Quốc và vấn đề biển Đông. Cách đây 4 năm, công chúng Mỹ đã vận động, làm áp lực với Quốc hội cho nên tại thời điểm đó, Hạ nghị viện và Thượng nghị viện đều đồng ý phản đối Trung Quốc đưa ra đường lưỡi bò. Trong lịch sử nước Mỹ, chưa bao giờ hoặc ít khi Hạ nghị viện và Thượng nghị viện thống nhất một vấn đề như vậy.
Các nước có lợi ích trên biển như Anh, Pháp, Nhật,, Hàn Quốc... đều để ý vấn đề này. Các nước Đông Âu không quan tâm nhiều. Nhưng nếu họ để ý, họ sẽ phải thấy rằng, phán quyết đó có tính pháp lý với tất cả mọi nơi trên thế giới chứ không chỉ cho vùng biển Đông.
Vấn đề không phải là Việt Nam tranh chấp với Trung Quốc, đây là tranh chấp an ninh trong khu vực và cho thế giới.
• Thưa ông, trong tiền lệ, đã có việc chống lại phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế như Trung Quốc hiện tại hay không?
Tòa trọng tài quốc tế phán quyết Hoa Kỳ vi phạm luật quốc tế trong vụ kiện can thiệp vào công việc nội bộ của Nikanaoa cũng như viện trợ cho lực lượng bán quân sự trong chính phủ Nikanaoa. Đồng thời, tòa cũng yêu cầu Hoa Kỳ tiến hành hoạt động bồi thường với những hành động phạm luật quốc tế của mình.
Hoa Kỳ đã công bố không chấp nhận phán quyết của tòa quốc tế và rút ra khỏi tham gia ở các phiên điều trần liên quan đến vấn đề nội dung vụ kiện đó. Tuy nhiên, với áp lực của dư luận, Quốc hội Hoa Kỳ đã 3 năm liên tục ra nghị quyết khác nhau để không cho Hoa Kỳ viện trợ tài chính vào lực lượng bán quân sự tại Nikanaoa. Mặc dù, Hoa Kỳ không ra tuyên bố thừa nhận phán quyết toà án quốc tế nhưng sau đó, Hoa Kỳ đã có 1 khoản viện trợ khá lớn cho Nikanoa. Và kết quả của việc Mỹ viện trợ cho Nikanaoa đã dẫn đến việc Nikanaoa không kiện Mỹ tại Tòa án quốc tế liên quan đến vấn đề bồi thường nữa.
• Nếu Trung Quốc không thực thi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, Philippines cần làm làm thế nào, thưa ông?
Nếu Trung Quốc không thực thi, Philippines sẽ kiện thêm 1 lần nữa bởi vì đây mới là lần đầu. Nếu Trung Quốc không thực thi sẽ vi phạm lần 2: cố tình không thực thi phán quyết của Tòa. Lúc đó, thế giới sẽ ủng hộ Philippines kiện thêm lần nữa. Bởi nó có nhiều vấn đề hơn những vấn đề Philippines đã từng kiện như: Trung Quốc lấy đảo san hô, phá hủy môi trường biển...
• Từ vụ kiện của Philippines, Việt Nam có thể rút ra cho mình kinh nghiệm gì thưa ông?
Trước hết, Việt Nam nên rút kinh nghiệm về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Chẳng hạn vấn đề quy chế pháp lý của đảo và đá. Chúng tôi nói từ năm 1997 là Trường Sa và Hoàng Sa không có đảo theo định nghĩa của Hiệp ước về biển của Liên Hợp Quốc. Đảo là nơi thiên nhiên ưu đãi, con người có thể sống ở đó sinh sống chứ không phải nơi người ta chỉ có thể sống mùa mưa, mùa khô họ phải mang nước đến hoặc di cư tới một nơi khác. Nó rộng thế nào mà không có điều kiện từ nhiên vẫn không phải là đảo.
Chúng ta không định nghĩa đúng mới đi tới việc tranh chấp đòi chủ quyền, có vùng đặc quyền kinh tế... Phán quyết vừa qua của Tòa trọng tài quốc tế khẳng định rõ ràng Trường Sa không có đảo. Hay đảo Ba Bình là một thực thể lớn nhất ở biển Đông cũng chỉ là đá. Như vậy, có thể thấy, Hoàng Sa cũng không được cho là đảo.
Các cấu trúc hiện đang tranh chấp trong toàn vùng Trường Sa tự nó là dạng tự nhiên không có khả năng nuôi dưỡng con người và đời sống kinh tế, cho nên tối đa chỉ có được 12 hải lý chủ quyền lãnh hải. Phán quyết tòa trọng tài quốc tế còn nhấn mạnh thêm rằng toàn bộ Trường Sa không có vùng độc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone, EEZ) 200 dặm. Như thế tất cả các vùng biển nằm ngoài 12 hải lý của các cấu trúc đang được tranh chấp đều là vùng nước quốc tế.
Nếu không trong vùng đặc quyền kinh tế của nước nào đó thì nó cũng không thuộc vùng an ninh 500 thước. Vấn đề đó đặt ra: Những vùng Trung Quốc chiếm chỉ là đảo chìm, không phải đảo nổi. Chính vì thế, Trung Quốc không thể đòi hỏi lãnh hải ở vùng đó và cũng không được đòi hỏi vùng an ninh 500 thước này.
Như thế, chúng ta có thể dùng lý lẽ đó để khẳng định rằng: Ngư dân của Việt Nam đi đến Phú Lâm (khi tạm thời chủ quyền chưa phân định) thì Trung Quốc không có quyền bắt bớ ngư dân của Việt Nam. Nếu họ cố tình làm như vậy là họ đã phạm luật quốc tế. Việt Nam có thể kiện Trung Quốc về những hành động như vậy.
• Xin cảm ơn ông!
Thái Thịnh (thực hiện)