Giáo sĩ Moqtada al-Sadr thắng cử quốc hội Iraq
Cũng theo nguồn tin, trong cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại trên cả nước, tướng lĩnh quân đội Hadi al-Amiri giành được vị trí thứ 2, tiếp đó là Thủ tướng đương nhiệm Haider al-Abadi.
Kết quả sơ bộ này được đưa ra dựa trên hơn 91% số phiếu bầu ở 16 trong số 18 tỉnh của Iraq. Ở 2 tỉnh còn lại là Dohuk và Kirkuk, ông Sadr không tham gia tranh cử nhưng vị trí của ông sẽ không bị ảnh hưởng.
Theo ước tính của Reuters, giáo sĩ Sadr thắng cử với hơn 1,3 triệu phiếu phổ thông trên cả nước và đã đạt được khoảng 54 trong tổng số 329 ghế trong Quốc hội Iraq.
Ông Sadr bỏ phiếu tại tỉnh Najaf, Iraq hôm 12/5. (Ảnh: Reuters)
Ứng cử viên Amiri nhận được hơn 1,2 triệu phiếu bầu, tương ứng với khoảng 47 ghế quốc hội. Ông Abadi có hơn 1 triệu phiếu bầu và khoảng 42 ghế. Người đứng thứ 4 là cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki, đồng minh thân cận của Iran, với khoảng 25 ghế.
Những lá phiếu chưa được kiểm chủ yếu thuộc nhóm công dân Iraq ở nước ngoài, lực lượng an ninh, người dân phải rời bỏ nhà cửa nhưng vẫn đang sống trong nước. Số phiếu này có thể thay đổi kết quả cuối cùng, nhưng không đáng kể.
Không giống như ông Abadi vốn là đồng minh hiếm hoi của cả Mỹ và Iran, giáo sĩ Sadr lại có tư tưởng đối địch với cả 2 nước này. Ông từng dẫn đầu 2 cuộc nổi dậy chống quân đội Mỹ tại Iraq và cũng là một trong số ít các nhà lãnh đạo Shi'ite tách mình khỏi sự hẫu thuẫn của Iran.
Giáo sĩ Sadr nhận được sự ủng hộ từ nhiều thành phần xã hội, trong đó có giới trẻ và những người nghèo. Ông sẽ không thể trở thành thủ tướng Iraq vì không tranh cử, nhưng chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội cho phép ông chọn ra người nắm giữ cương vị này.
Thủ tướng đương nhiệm Iraq Haider al-Abadi có thể sẽ tiếp tục giữ ghế trong chính phủ mới. (Ảnh: Getty Images)
Trong khi đó, dù thất bại, ông Abadi có thể vẫn được Quốc hội Iran tín nhiệm chọn làm thủ tướng. Hôm 14/5, ông đã kêu gọi tất cả các phe phái chính trị tôn trọng kết quả bầu cử, tuyên bố sẵn sàng hợp tác với ông Sadr để thành lập chính phủ mới.
"Chúng tôi sẵn sàng làm việc và hợp tác trong việc thành lập một chính phủ Iraq mạnh mẽ nhất mà không có tham những" - ông Abadi phát biểu trên sóng truyền hình trực tiếp.
Cuộc bầu cử quốc hội Iraq hôm 12/5 là lần đầu tiên nước này tiến hành tổng tuyển cử kể từ khi IS bị đánh đuổi hoàn toàn khỏi Iraq vào năm ngoái. Hồi năm 2014, IS từng chiếm đóng 1/3 lãnh thổ Iraq.
Số liệu của Ủy ban Bầu cử Iraq cho biết tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 44,52% và đây là tỷ lệ thấp nhất trong giai đoạn hậu chính quyền của nhà lãnh đạo Saddam Hussein.
Chính phủ mới của Iraq sẽ được thành lập như thế nào?
Theo Hiến pháp Iraq, trong vòng 90 ngày, chính phủ mới của nước này sẽ được thành lập theo tiến trình như sau:
- Ủy ban Bầu cử công bố kết quả bầu cử ngày 14/5.
- Tổng thống Fouad Masoum sẽ yêu cầu quốc hội mới họp phiên đầu tiên trong vòng 15 ngày kể từ khi công bố kết quả chính thức.
- Trong phiên họp đầu tiên, các nhà lập pháp sẽ bầu ra một người phát ngôn quốc hội và 2 đại biểu dựa trên đa số tuyệt đối.
- Quốc hội chỉ định tổng thống mới dựa trên bỏ phiếu, nếu quá 2/3 số đại biểu ủng hộ thì ứng viên sẽ được lựa chọn. Tổng thống mới phải được chọn ra trong vòng 30 ngày kể từ phiên họp quốc hội đầu tiên.
- Trong vòng 15 ngày kể từ khi được chỉ định, tân tổng thống phải công bố ứng viên chính thức cho vị trí thủ tướng để thành lập chính phủ mới.
- Thủ tướng được chỉ định có 30 ngày để đệ trình danh sách nội các, chờ quốc hội phê duyệt.
- Quốc hội phải phê chuẩn chương trình hành động của chính phủ mới, cũng như từng thành viên nội các, trong các cuộc bỏ phiếu riêng rẽ theo nguyên tắc đa số phiếu.
Nếu thủ tướng được chỉ định không thể đưa ra liên minh cầm quyền sau 30 ngày, hoặc nếu quốc hội bác bỏ đề xuất nội các của thủ tướng được chỉ định, tổng thống mới sẽ phải đề cử ứng viên thủ tướng khác trong vòng 15 ngày.
Trọng Sang