Giao lưu Việt - Mỹ thúc đẩy cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp
Nông nghiệp là lĩnh vực Việt Nam và Mỹ có nhiều tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu đẩy mạnh hợp tác. Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Mỹ đang tăng mạnh. Quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản đi Mỹ đạt 2,04 tỷ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 33,05% trong thị phần giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam, Mỹ vượt qua Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt Nam. Một số mặt hàng của Việt Nam có thế mạnh và Mỹ có nhu cầu nhập để đáp ứng tiêu dùng nội địa như rau, củ, quả, cà phê, chè, hạt tiêu, cao su, hạt điều, thủy sản.
Ở chiều ngược lại, thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy Việt Nam là nhà nhập khẩu lớn thứ 7 hàng nông sản của Hoa Kỳ, với tổng trị giá 3,3 tỷ USD năm 2020. Mỹ hiện là nhà cung cấp hàng hóa nông nghiệp lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Các sảm phẩm nông nghiệp chủ lực của Mỹ xuất sang Việt Nam là đậu tương, lúa mì, ngũ cốc, hạt cây và các sản phẩm từ sữa, bông.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng gần 120 lần trong 25 năm qua. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, việc nhập khẩu nông sản vào Mỹ phải thông qua hàng loạt các qui định kỹ thuật kiểm soát nhập khẩu rất khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng đối với hàng nông sản xuất khẩu, từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, bảo quản và vận chuyển nông sản sang Mỹ.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều tổn thất về tính mạng con người và của cải vật chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội của các nước và quan hệ quốc tế. Hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ không nằm ngoại lệ trong hoàn cảnh khó khăn chung đó, nhất là đại dịch đang gây cản trở lớn cho phát triển quan hệ kinh tế và giao lưu nhân dân, đồng thời làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung cứng hàng hóa, tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều hội thảo, tọa đàm giao lưu đã được các Hội hữu nghị hai nước phối hợp tổ chức với mong muốn tạo thêm diễn đàn để doanh nghiệp hai bên kết nối trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu thị trường, gặp gỡ đối tác, xúc tiến thương mại, chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận thị trường của nhau để thúc đẩy giao lưu và buôn bán hai chiều.
Mở rộng giao lưu, gia tăng cơ hội hợp tác
Nổi bật như Hội Việt - Mỹ đã có sáng kiến tổ chức Tọa đàm “Giao lưu Việt - Mỹ: Những cơ hội hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp và kinh doanh nông sản”. Tọa đàm là cơ hội để giao lưu, chia sẻ, tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ nói chung và kết nối, thúc đẩy thương mại giữa các Công ty của Hoa Kỳ với doanh nghiệp, hợp tác xã của Việt Nam nói riêng. Đồng thời còn góp phần tăng cường hợp tác giao lưu nhân dân, phát huy vai trò, thế mạnh của đối ngoại nhân dân phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước; góp phần thúc đẩy quan hệ “Đối tác toàn diện” Việt-Mỹ ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, hướng tới một tầm cao mới.
Các hoạt động giao lưu nhân dân đã tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam kết nối, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại. Ảnh: Tuấn Việt |
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Nghị cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trở thành phương thức tổ chức hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu bền vững.
Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt hiện nay, đã xuất hiện những mô hình hợp tác xã tham gia liên kết với doanh nghiệp rất thành công. Các hợp tác xã này có thể tham gia vào một hoặc nhiều khâu của chuỗi giá trị liên kết, đồng thời tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm của thành viên. Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các hợp tác xã Việt Nam đã có cơ hội trên thị trường Hoa Kỳ như: trồng trọt (điều, hồ tiêu, chuối, nhãn lồng, xoài), chăn nuôi (yến, mật ong), thủy sản (cá),…
Về các giải pháp hợp tác, hỗ trợ HTX từ phía các cơ quan của Hoa Kỳ, ông Bùi Nghị cho biết, các HTX nông nghiệp tại Việt Nam cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao, tuy nhiên năng lực còn rất hạn chế, gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Vì vậy, qua hoạt động giao lưu nhân dân nhằm tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam kết nối, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, cách thức giải quyết các thủ tục với các cơ quan hữu quan của Mỹ liên quan hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ.
Tại Tọa đàm các kinh nghiệm, khoa học công nghệ của Mỹ, nhất là công nghệ chế biến sau thu hoạch, để nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông, thủy, hải sản của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ và nước thứ ba đã được đại diện một số tổ chức hiệp hội nghề nghiệp của Mỹ cùng hơn 10 doanh nghiệp Mỹ hoạt động trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến và kinh doanh các mặt hàng nông, thủy, hải sản xuất khẩu chia sẻ.
Qua kết nối của Tọa đàm, cũng đã mở ra các kênh hợp tác mới trên lĩnh vực nông nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hoá nông, thủy, hải sản giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Theo đại diện Hội Việt – Mỹ, Tọa đàm được tổ chức thành công sẽ là tiền đề cho một diễn đàn thường niên của các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực.
Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24 đến 26/8/2021 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã nhấn mạnh hợp tác kinh tế đang là một trong những ưu tiên trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Việc tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam là rất quan trọng đối với chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến cho các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn trong sản xuất và xuất nhập khẩu. |
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ