Gian bếp 15m2 nhưng là góc nhỏ quây quần yêu thương của gia đình ở TP HCM
“Bếp là nơi yêu thương san sẻ chứ không thể là nơi người nấu chỉ lủi thủi đối diện với bức tường, cặm cụi nấu trong mồ hôi và trong sự yên lặng khi gia đình đang quây quần ngoài kia. Cuối ngày quay về với căn bếp, vợ chồng có thể huyên thuyên vừa kể chuyện vừa nấu những món ăn ngon, vừa có thể coi bộ phim đang dang dở. Bếp không thể gọi là xó bếp mà là góc bếp yêu thương”, chị Võ Như Ái (TP HCM) mở đầu câu chuyện như vậy khi nói về gian bếp 15m2 nho nhỏ nhưng ngập tràn yêu thương của gia đình chị.
Gian bếp tông màu trắng và xanh pastel của gia đình chị Như Ái (TP HCM) |
Đây là chỗ gia đình ngồi bên nhau nhiều hơn cả phòng khách. |
Nhiều người gọi căn bếp của chị Như Ái là căn bếp cầu vồng, cũng có người nói đó là bếp trong mơ hoặc bếp xinh xắn đáng yêu, còn với chị - người phụ nữ mê nấu ăn này thì “bếp là nơi cất giữ những tình yêu be bé nhưng là đam mê vô tận. Lâu lâu lại lôi tất cả đồ ra, sắp xếp lại bếp theo trật tự khác, cứ như chơi đồ hàng của trẻ nhỏ”.
Cũng bởi vì coi bếp là nơi quan trọng nhất trong gia đình, là nơi dành nhiều thời gian nhất sau một ngày làm việc nên chị Như Ái đầu tư rất kỹ cho vật liệu xây dựng và trang thiết bị bếp. “Sáng cả nhà cũng chỉ quanh quẩn ngay bếp, tối đi làm về thì cũng dành gần như 3 tiếng ở bếp. Khác với nhà phố, không gian sống ở chung cư gần như gói gọn và xuyên suốt nhau nên việc dành nhiều thời gian cho bếp là việc dễ hiểu nên đầu tư nhiều cho bếp hoàn toàn là đầu tư hợp lý”.
Ngay buổi đầu gặp kiến trúc sư, chị Ái nói rất rõ quan niệm của chị về căn bếp gia đình, những giá trị mà chị muốn tìm thấy ở căn bếp và đưa kiến trúc sư xem bản thiết kế bếp cũ của gia đình và hình những căn bếp chị ưa thích.
Sau khi lên thiết kế, chị cùng ngồi lại với kiến trúc sư và điều chỉnh lại cho phù hợp. Vì có những vật dụng trong gia đình như dụng cụ bếp khá to mà chắc chắn chị sẽ mua và dùng nhiều nên kiến trúc sư sẽ thiết kế những vị trí và không gian phù hợp cho nó.
Kinh nghiệm cá nhân của chị Ái khi thiết kế bếp: 1. Đầu tiên cần hiểu rõ mình cần gì trong thời gian đứng bếp. Với chị Ái, chị hướng tới gian bếp là không gian liên kết/ kết nối, sáng tạo, sinh hoạt chung của gia đình. 2. Chọn kiến trúc sư có phong cách giống mình. 3. Nói rõ nhu cầu sử dụng và nấu nướng của mình để họ thiết kế không gian hợp lý. |
Với chi phí thiết kế khoảng 16,5 triệu đồng và chi phí trang trí hoàn thiện bếp tổng khoảng 120 triệu đồng, chị Ái hài lòng với góc bếp yêu thương và cũng là nơi chị dành nhiều thời gian nhất.
Gọi là góc bếp yêu thương bởi chị Ái chưa bao giờ phải đứng bếp một mình. Trong gia đình chị, việc vào bếp không phải là trách nhiệm và nghĩa vụ của ai hết. Hôm nào vợ nấu thì chồng phụ khâu sơ chế và ngược lại. Vợ chồng chị thấy niềm vui trong việc cùng nhau làm mọi việc, hôm nào không thấy thích nấu thì đi ăn ngoài, chỉ khi nào thực sự muốn và thích nấu thì mới vào bếp. Có thích mới nấu những món ăn ngon. Vì sẻ chia nên ngay từ giai đoạn thiết kế và xây dựng, 2 vợ chồng chia việc nhau ra. Chồng nhận nhiệm vụ chọn mua vật liệu và kỹ thuật, chị Ái lo thẩm mỹ của gian bếp. Kết quả là bếp thuộc về hai người chứ không đơn độc là của riêng ai.
Có rất nhiều lý do để yêu thương gian bếp nhỏ nhắn này. Căn bếp màu sắc được được thiết kế thông thoáng, không vách ngăn với phòng khách. Vì thế việc vào bếp không còn là việc lủi thủi một mình với đồ ăn và 4 bức tường. “Đầu bếp” vừa nấu vừa có thể nói chuyện với gia đình và có thể coi phim nghe nhạc từ tivi của phòng khách. Sự hấp dẫn của các món ăn và mùi thơm của đồ ăn có thể kích thích tức thời các thành viên khác. Cả nhà vừa nấu và vừa ngồi trò chuyện khiến việc làm bếp vui và có ý nghĩa hơn.
Gian bếp nhỏ nhưng có nhiều khoảng không gian cho chị Ái trưng bày và chứa đựng dụng cụ bếp hỗ trợ việc đam mê nấu nướng. Chị cho biết rất thích mua những vật dụng làm cho việc nấu nướng thuận tiện hơn, ăn sạch và khoẻ mạnh hơn nên việc gian bếp không có chỗ chứa là nỗi sợ của chị. Vì thế gian bếp được nới ra một đoạn. Bếp cũng rất sạch sẽ bởi ngoài yếu tố vệ sinh, liên quan đến sức khoẻ, chị Ái vẫn nhớ hoài lời dặn của mẹ, rằng “muốn biết người phụ nữ đó quan tâm gia đình như thế nào, cứ nhìn vào sự gọn gàng và sạch sẽ của bếp nhà họ”.
Gian bếp 15m2 là nơi chứng kiến niềm vui san sẻ công việc giữa các thành viên trong gia đình chị Ái, cũng là nơi nuôi dưỡng đam mê nấu nướng của người phụ nữ này, bếp còn là nơi chứa đựng những vật dụng giá trị và đầy kỷ niệm. “Hầu hết những vật dụng trong bếp là quà mình mua từ những chuyến đi nên từng thứ đều được nâng niu trân trọng. Như chiếc thìa gỗ để múc đường và muối mình mua mang về từ vùng Tasmania của Úc trong chuyến đi cách đây 4 năm. Ấm trà và đĩa mua từ vùng Aix En Provence của Pháp”.
Nhớ lại thời còn độc thân, vào bếp là để thỏa mãn sở thích cá nhân, là nơi xả stress và tăng khả năng sáng tạo, còn với chị Ái hiện tại, vào bếp vừa là để yêu mình, yêu gia đình, là nơi nuôi dưỡng thứ tình cảm thiêng liêng gắn bó, cũng là nơi đi xa là nhớ và thèm được trở về nhất.
Xem thêm:
Nhờ dọn dẹp những thứ thừa thãi, căn hộ nhỏ trở thành không gian sống đáng mơ ước Kyle Quilici – một blogger người Mỹ theo đuổi lối sống tối giản chia sẻ về căn hộ diện tích nhỏ nhưng vẫn đa năng, ... |
Đầu bếp lừng danh David Rocco chủ trì dạ tiệc giao lưu Việt-Ý tại Vinpearl Luxury Landmark 81 Tối 11/6/2019, biểu tượng mới của Thành phố Hồ Chí Minh - Landmark 81 trở thành tâm điểm của bữa tiệc “Dolce Vita giữa tầng ... |
Mong bố mẹ có tuổi già thanh bình, chàng trai trẻ biến sân thượng nhỏ thành vườn hồng đẹp như mơ Anh Hưng tự tay thiết kế sân thượng thành khu vườn trồng đủ loại hồng ngoại. Ước mong bố mẹ được hưởng tuổi già vui ... |