Giám đốc ILO: Mỗi lần đến Việt Nam đều thấy sự phát triển rõ rệt
Ngày 22/6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam |
Theo bà Ingrid Christensen, sự phát triển đó thể hiện rõ nét qua việc Việt Nam đã vượt qua đại dịch Covid-19. Chính phủ Việt Nam đã luôn đồng hành, hỗ trợ người dân vượt qua những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch.
"Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm “lấy con người làm trọng tâm” trong nhiều lĩnh vực như việc làm, phát triển doanh nghiệp, an sinh xã hội… Đơn cử như vấn đề lao động trẻ em vốn là bài toán không mấy dễ dàng đối với nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên Việt Nam đã rất chủ động trong tiếp cận, giải quyết”, bà Ingrid Christensen nói.
Những bước tiến của Việt Nam còn thể hiện trong việc phê chuẩn các công ước có liên quan đến lao động việc làm, phòng chống phân biệt đối xử... Theo ILO, đây đều là những công ước rất cơ bản và quan trọng, ảnh hưởng tới thị trường lao động, ví dụ như nội dung về thỏa ước lao động tập thể...
Đại diện lãnh đạo tổ chức ILO cũng bày tỏ sự ấn tượng về sự phát triển của các thể chế giúp hỗ trợ cho thị trường lao động như Hội đồng tiền lương quốc gia, Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động, Ủy ban quan hệ lao động. Đây là những thể chế quan trọng góp phần xây dựng thị trường lao động hài hòa.
Bà Ingrid Christensen khẳng định “đối với ILO Việt Nam luôn luôn là một trong những đất nước được xem như tiêu biểu về sự thành công”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ mong muốn bà Ingrid Christensen sẽ góp phần tích cực vào việc tăng cường mối quan hệ hợp tác truyền thống có hiệu quả giữa ILO và Việt Nam. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết mối quan hệ giữa ILO Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH là tình bằng hữu, chân thành trên tinh thần chia sẻ công việc. Đặc biệt ngoài những chương trình, dự án thì sự hợp tác, đồng hành của ILO, trong đó có quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019 là dấu mốc rất quan trọng với Việt Nam.
Ông Dung cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em và người lao động nghèo. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan liên quan đã nhanh chóng kiểm soát, ổn định được thị trường lao động.
Việt Nam phải lùi lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ nhưng vẫn đảm bảo chính sách tiền lương, đảm bảo thu nhập với người yếu thế, người có công, người hưu trí, người lao động….
"Thông thường chúng tôi chỉ lo việc trợ cấp với khoảng 1 triệu người/ mỗi năm. Riêng đợt dịch Covid-19 vừa qua, Việt Nam thực hiện các chính sách an sinh, hỗ trợ đột xuất với 55 triệu lượt người, đó đều là người nghèo, đối tượng yếu thế", ông Dung nói.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH bày tỏ mong muốn ILO với tư cách là một tổ chức độc lập sẽ tham vấn, hỗ trợ về vấn đề lao động việc làm, an sinh bằng những mô hình, dự báo xu hướng phát triển trong nhiều năm tới.