Giải cứu "rác chết" bắt đầu từ vỏ hộp giấy
8.000 hộp sữa giấy tái chế được một tấm lợp
Chúng ta thường nghĩ, những gì "ve chai" (người thu mua phê liệu) thu mua là tái chế được: Thùng carton, giấy, lon bia, nhựa, kim loại sắt, đồng,… Vậy còn những thứ khác? Họ không mua là chúng ta cũng bỏ vào thùng rác? Thực ra, còn rất nhiều loại rác có thể tái chế nhưng vì nhiều lí do mà ve chai không mua. Hiện nay, các loại rác như này đều bị vứt ra môi trường hoặc cùng các loại rác khác đi vào bãi xử lý rác để đốt hoặc chôn lấp.
Nhiều loại trong số đó có giá trị tái chế rất cao như: vỏ hộp giấy đựng đồ uống (sữa, nước trái cây,…), ly nhựa, rác thải điện tử, túi nilon. Đó là rác chết! Với vỏ hộp giấy, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách thu gom và tái chế.
Vỏ hộp giấy có thành phần chính là bột giấy, nhôm, nhựa, có thể tái chế 100% thành các sản phẩm có ích. Ví dụ như vỏ hộp sữa, sau khi đưa vào dây chuyền tái chế hoàn chỉnh, bột giấy thu hồi được, nếu tốt thì làm tập, giấy in, còn lại thì sẽ tái chế thành thùng carton. Phần còn lại là lõi nhôm và nhựa được làm thành các tấm lợp. Hiện trung bình cứ 8.000 hộp sữa giấy đã qua sử dụng là tái chế được 1 tấm lợp.
8.000 hộp sữa giấy đã qua sử dụng là tái chế được 1 tấm lợp.
Có ích là thế, vậy nhưng theo thống kê hiện nay, hơn 90% hộp sữa giấy thay vì có thể thu gom tái chế thì hiện vẫn được thải ra ngoài môi trường. Vậy làm thế nào để có thể thu gom tái chế hiệu quả nhất? Theo các chuyên gia, vấn đề khó nhất của việc tái chế rác thải thành sản phẩm thân thiện môi trường, đầu tiên là ở nhận thức và thói quen phân loại rác tại nguồn của người dân. Sau nữa, từ nhiều năm qua tại Việt Nam, với sự chưa sẵn sàng của cơ sở hạ tầng thu gom, việc phân loại và thu gom vỏ hộp sữa giấy còn rất nhiều khó khăn.
Hành trình giải cứu "rác chết"
Hơn 10 năm gắn bó với việc giáo dục về bảo vệ môi trường cho học sinh, chị Châu Ngọc Cẩm Vân (ngụ Lê Văn Sỹ, phường 11, Phú Nhuận, TP.HCM) lúc nào cũng canh cánh trong lòng nỗi lo ngại về số rác thải vỏ hộp sữa khổng lồ mà mỗi ngày người dân “biếu không” vào thùng rác. Chị biết là nên thu gom tái chế vỏ hộp sữa vì nguyên liệu tái chế có giá trị. Thế nhưng ý định chị ấp ủ bao lâu nay vẫn chưa thể thực hiện vì nhiều lí do. Điển hình như khâu thu gom. Vỏ hộp muốn chuyển tái chế phải lưu trữ, gom lại một số lượng lớn thì mới chở đi, vì cồng kềnh và nhẹ nên chi phí vận chuyển khá cao.
Trong khi đó, lưu lâu thì sẽ bị mùi hôi, chua do sữa thừa trong hộp. Nếu làm giống bên Nhật là cắt ra rửa sạch thì hao nước, ô nhiễm nước và cũng không hợp lý so với với điều kiện của Việt Nam.
Đến khi ý tưởng về việc dán kín lỗ cắm ống hút sau khi uống được thử nghiệm thành công thì mọi thứ như vỡ òa trong hạnh phúc. Chị Vân gọi đó là miếng dán sinh thái.
Ngay lập tức, chị Vân và nhóm đã triển khai thu gom vỏ hộp sữa. Đầu tiên nhóm có những điểm tiếp nhận vỏ hộp sữa nhỏ lẻ. Sau đó dần dần, khi đã được mọi người biết đến và quan tâm thì nhóm chị đã phát triển với mạng lưới thu gom hầu hết các quận ở TP.HCM.
Miếng dán sinh thái giúp bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, nhóm chị Vân còn triển khai thu gom ở trường mầm non. Chị nhớ mãi có một cô giáo trường mầm non giấu tên, buổi sáng cô giáo nhận miếng dán, khiêm tốn nói làm cho lớp mình trước đã. Ấy thế mà ngay buổi chiều đã lan tỏa cả trường. Với chị Vân, thật hạnh phúc và trân quý biết bao trước tình cảm của các cô giáo. “Mở zalo thấy bài cô giáo đăng: “Cô hy vọng hạt giống ý thức hôm nay sẽ cùng con lớn lên”. Cô dạy các con phân loại vỏ hộp sữa giấy vừa để tái chế ra các sản phẩm có ích vừa bảo vệ môi trường. Tuyệt vời quá”, chị Vân xúc động tâm sự.
Sau khi phát động đã có hơn 200 trường đăng ký tham gia hoạt động thu gom vỏ hộp sữa. Tuy nhiên để có thùng lớn chứa riêng vỏ hộp sữa thì nhiều trường vẫn chưa có. Hiện nhóm chị vẫn đang tìm nguồn hỗ trợ thùng cho các trường.
Chị Vân hướng dẫn các bé ở trường mầm non dán miếng dán sinh thái vào lỗ cắm ống hút sau khi uống xong.
Đến nay, nhóm chị đã thu gom được hơn 100.000 vỏ hộp sữa giấy. Trao đổi với chúng tôi, chị Vân cho biết nhóm gom về, chuyển bán cho nhà máy ở Bình Dương tái chế. Toàn bộ tiền thu được sẽ chi trả cho việc: Thu gom, lưu trữ, vận chuyển. Làm miếng dán sinh thái, Đầu tư các trường học thực hiện phân loại rác và các điểm thu cộng đồng, Hỗ trợ lương cố định hàng tháng cho sinh viên khó khăn tham gia việc thu gom...
Vỏ hộp giá bao nhiêu? Câu hỏi đó không còn quan trọng nữa khi mà đó là toàn bộ tâm huyết của cả nhóm. Việc làm của nhóm chị càng đáng quý hơn khi ý thức trách nhiệm với môi trường đã được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Và điều này thì không thể cân đo bằng tiền.
Rất nhiều người ủng hộ sau khi biết việc làm ý nghĩa của nhóm chị Vân. “Mình rất thích mô hình hộp sữa tái chế của chị Vân. Phú Quốc, hòn đảo xinh đẹp quê mình đang dần bị nhấn chìm trong rác. Ước gì ở đây có những người có tâm như chị”, Lan Anh bày tỏ.
Hiện nhóm chị Vân không có bất cứ nguồn thu hay tài trợ nào, hoàn toàn là tiền nhóm chị bỏ ra để duy trì hoạt động. Trước mắt, khó khăn còn rất nhiều nhưng đó lại chính là động lực để chị tiếp tục triển khai công việc, để tâm huyết tốt đẹp của mọi người không bị lãng phí và mai một.
“Hiện nhóm mình rất cần sự hỗ trợ của các đơn vị vận tải vì các bạn ở các tỉnh rất muốn cùng nhau làm nhưng khó khăn ở chi phí vận chuyển về TP.HCM”, chị Vân chia sẻ.
Cách xử lý vỏ hộp giấy sau khi uống.
Câu chuyện tái chế vỏ hộp sữa giấy tưởng như xa xôi nhưng thực ra là rất gần, kéo mọi người lại gần nhau, cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường, đúng như mong mỏi của chị Vân: “Mình không dám nhận đây là dự án mà chỉ mong việc làm thu gom của nhóm được nhân rộng hơn, hoạt động lâu dài và bền bỉ để từ đó giúp mọi người có ý thức phân loại rác, bảo vệ môi trường”.
Biển cả, rừng xanh đang kêu cứu. Muộn còn hơn không, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và đơn giản nhất nếu không muốn môi trường bị hủy hoại. Nếu buộc phải sử dụng, hãy cho rác chết có cơ hội được tái chế!
Đỗ Quyên