“Giấc mơ” ô tô người Việt của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và cú “ngã” Vinaxuki, Bphone
Doanh nhân Bùi Văn Huyên là người từng có tham vọng xây dựng thương hiệu ô tô Việt, nhưng ô tô mang thương hiệu Vinaxuki bị thị trường trong nước "từ chối", kết cục doanh nghiệp bị phá sản.
Trước khi Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ra đời, Việt Nam có 20 năm trong hành trình xây dựng ngành công nghiệp ô tô.
Theo kế hoạch xây dựng ngành công nghiệp ô tô, sau 20 năm, Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ nội địa trên 60% đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, nhưng thực tế, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt dưới 10%.
Trong hành trình này, rất nhiều công ty sản xuất ô tô đã ra đời, liên doanh có, nội địa có. Thế nhưng, nhiều giấc mơ của doanh nghiệp ô tô đã tức tưởi phá sản. Chỉ có một số doanh nghiệp liên doanh lắp ráp vẫn còn tồn tại và ... sống được!
Nguyên nhân sự thất bại của những giấc mơ ô tô Việt vì sản phẩm làm ra không cạnh tranh được với ô tô nhập khẩu của các hãng nước ngoài đã có thương hiệu, giá thành không thật sự thấp vì không nhận được cơ chế ưu đãi hợp lý. Đặc biệt, vì người tiêu dùng nội địa Việt Nam quá sính đồ ngoại, chưa tin tưởng vào chiếc ô tô được sản xuất trong nước của doanh nghiệp Việt, khiến hàng nội địa làm ra ế chỏng chơ…
Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa khởi công tổ hợp sản xuất xe ô tô, tiếp tục giấc mơ xây dựng thương hiệu ô tô Việt của doanh nhân Bùi Văn Huyên tại Hải Phòng.
Câu chuyện thương hiệu ô tô Vinaxuki chính là một ví dụ điển hình. Bởi sau khi ra đời chưa được bao lâu, thương hiệu ô tô Vinaxuki đã “biến mất”. Bản thân ông chủ doanh nghiệp là doanh nhân Bùi Văn Huyên đã phải bán nhiều tài sản có giá trị để duy trì giấc mơ xây dựng thương hiệu ô tô của người Việt.
Vậy nhưng cuối cùng, Vinaxuki vẫn chết yểu, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu này là Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên đến nay vẫn ngập trong nợ nần.
Tuy nhiên, lịch sử không mấy sáng sủa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam lại vừa được viết tiếp bởi tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng.
Theo đó, vào ngày 2/9/2017 vừa qua, Vinfast, công ty sản xuất ô tô thuộc Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã khởi công tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Cát Hải (Hải Phòng). Với công suất 500.000 ô tô mỗi năm, Vingroup tham vọng xuất khẩu ngược trở lại ô tô mang thương hiệu Việt ra ngoài khu vực.
Câu chuyện tỷ phú Phạm Nhật Vượng viết tiếp giấc mơ ô tô thương hiệu Việt đã dang dở 20 năm nay đã khích lệ tinh thần khởi nghiệp dân tộc.
Thế nhưng, không ít người vẫn đặt hoài nghi sự thành công của Vinfast trong bối cảnh người tiêu dùng không tin vào chất lượng các sản phẩm công nghệ được doanh nghiệp Việt sản xuất trong nước.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và doanh nhân Nguyễn Tử Quảng là những người có tham vọng tạo ra những sản phẩm công nghệ cao của người Việt, nhưng sản phẩm Bphone có tương lai gập ghềnh, còn ô tô Vinfast tương lai ra sao vẫn là dấu hỏi!
Câu chuyện ô tô Vinaxuki và mới đây là điện thoại Bphone là những dẫn chứng kinh điển, khi các sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt ra đời, đã bị thị trường và cả giới truyền thông “dìm hàng” không thương tiếc, rồi chết dần chết mòn ở thị trường trong nước.
Tuy nhiên, Vinfast được nâng bước bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại là một câu chuyện khác. Tập đoàn này từng thành công vang dội ở nhiều lĩnh vực: Từ bất động sản, đến giáo dục, y tế… và nay là tham vọng chinh phục thị trường ô tô.
Việc thành lập công ty sản xuất ô tô, rồi nhanh chóng khởi công nhà máy đến chiến dịch “săn đầu người” một cách quyết đoán bổ nhiệm vào những vị trí trọng yếu của Vinfast cho thấy Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang có niềm tin thành công rất lớn ở lĩnh vực mới này.
Dù vậy, vẫn còn quá sớm để nghĩ đến sự thành công thương hiệu ô tô Vinfast. Bởi Vingroup dù thành công ở nhiều lĩnh vực, nhưng ở lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất ô tô, Vingroup vẫn chưa có nền tảng nào đáng kể.
Trong khi đó, để thành công ở lĩnh vực sản xuất công nghệ, ngoài tiêu chí chất lượng sản phẩm phải đảm bảo, thì giá cả cạnh tranh là một trong những tiêu chí quyết định.
Trên thực tế, các thương hiệu công nghệ Việt như ô tô Vinaxuki hay điện thoại Bphone đều không thỏa mãn được 2 tiêu chí trên. Vì vậy, Vinaxuki hiện đã bị phá sản, trong khi với điện thoại Bphone, Công ty BKAV phải làm theo một quy trình ngược là “đem chuông đi đánh sứ người”, thay vì chinh phục khách hàng ở thị trường trong nước.
Khắc Trường
Theo Báo Thời Đại