Giá vàng 18/6: Vàng SJC tiếp tục tăng thêm 150 nghìn
Ngày 18/6, vàng SJC tiếp tục tăng giá thêm 150 |
Giá vàng trong nước
Trước giờ mở cửa phiên sáng nay, giá vàng trong nước tiếp tục tăng phiên thứ ba.
Vàng SJC có phiên tăng thứ ba liên tiếp. Ảnh minh hoạ
Cụ thể, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM là 67,95-68,75 triệu đồng/lượng, tăng thêm 150 nghìn đồng so với cùng thời điểm phiên trước.
Trong ba phiên liên tiếp, giá vàng thương hiệu quốc gia tăng tổng cộng 350 nghìn đồng, vẫn thấp hơn nhiều so với mức giảm 1,25 triệu đồng trong 3 phiên đầu tuần.
Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội cũng tăng thêm 250 nghìn đồng hai chiều lên 67,90-68,70 triệu đồng/lượng.
Cũng tăng thêm 250 nghìn đồng hai chiều, giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lên 54,21-54,91 triệu đồng/lượng.
Giá vàng 9999 thương hiệu NPQ của Phú Quý cũng tăng 250 nghìn đồng hai chiều lên 54,05-54,85 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra.
Đây là phiên tăng liên tiếp thứ hai của thương hiệu này với tổng mức tăng là 400 nghìn đồng.
Giá vàng thế giới
Sau khi phục hồi mạnh, giá vàng thế giới đi ngang trong vùng giá cao nhất 4 phiên 1.840-1.850 USD/ounce.
Lúc 21h30 đêm qua, giá kim loại quý giảm 17 USD (0,92%) về còn 1.841,70 USD/ounce.
Giá vàng kỳ hạn tháng 8 quanh 1.852,50 USD/ounce.
Vàng thế giới cao nhất 4 phiên (Ảnh: Kitco) |
Các nhà giao dịch đang ổn định để đánh giá một tuần quan trọng với các diễn biến chính của các ngân hàng trung ương, gồm cả đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào chiều thứ Tư.
Trong khi đó, thị trường đón nhận thêm dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của khu vực đồng Euro đã tăng 0,8% so với tháng 4 và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng lúc đó, điều bất ngờ với thị trường là Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) đã lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ năm 2007 khi nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5% từ 17/6. Dù vậy, lãi suất của nước này vẫn âm 0,25%.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng với lãi suất ngắn hạn âm 0,1% để hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Giới phân tích cho rằng, quyết định này của BOJ sẽ vẫn gây thêm áp lực lên đồng yên Nhật Bản so với đồng đô la Mỹ.