Giá thịt lợn tăng dữ dội: Chủ yếu do bị găm hàng, thổi giá
Giá thịt heo hôm nay 12/11: Khan hiếm, giá tiếp tục bị đẩy sát mốc 80.000/kg |
Khủng hoảng thịt lợn đẩy mức lạm phát Trung Quốc lên cao kỷ lục |
Giá thịt lợn tăng kỷ lục, nhiều nơi không có lợn để bán |
Từ nay đến cuối năm giá thịt lợn sẽ còn tăng cao
Trước tình hình giá thịt lợn tăng cao trong thời gian gần đây ảnh hưởng đến giá tiêu dùng của người dân, chiều 18/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã có cuộc làm việc với một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực chăn nuôi bàn về các giải pháp ổn định nguồn cung và thị trường mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý 2020.
Tại cuộc họp, đại diện Cục Chăn nuôi dự báo: "Nguồn thịt lợn hiện nay không thiếu hụt đến mức khủng hoảng. Dịp cuối năm, chắc chắn giá lợn sẽ tăng cao - đây cũng là xu thế tất yếu vì nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết tăng, song sẽ không tăng quá cao".
Quang cảnh cuộc họp chiều 18/11. Ảnh: Báo Chính phủ |
Theo báo cáo của Cục chăn nuôi, tình hình giá thịt lợn hơi tại một số nơi trong những ngày vừa qua tăng cao chủ yếu không phải thiếu nguồn cung mà do khâu lưu thông và thông tin không rõ ràng khiến tình hình trở nên phức tạp, có biểu hiện găm hàng, thổi giá.
Đại diện Cục chăn nuôi lấy ví dụ, giá lợn hơi bán ra của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam là 66.000 đồng/kg, nhưng thông tin đưa giá lợn ở Hà Nội là 73.000 đồng/kg là không chính xác.
"Hiện nay nguồn lợn thịt chủ yếu ở các công ty, trang trại và hộ chăn nuôi lớn, còn các hộ nhỏ trong vùng dịch cơ bản là không còn. Việc xuất bán lợn thịt yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt hơn, người chăn nuôi thường không muốn xuất bán lẻ do e ngại nguy cơ người mua có thể đem dịch vào cơ sở chăn nuôi. Điều này càng làm cho những hộ giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được nguồn cung, phải mua lại của thương lái hoặc những nông hộ ép giá lên cao khiến giá thịt lợn ở những khu vực này tăng cao cục bộ.
Mặt khác, các nguồn thông tin vừa qua chủ yếu tập trung phản ánh những nơi có giá cá biệt vô hình chung tạo hiệu ứng lan tỏa giá lợn trong nước tăng cao, thương lái đẩy giá lên cao bất thường", đại diện Cục Chăn nuôi lý giải.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng thông tin, thời gian qua, giá lợn hơi trung bình cả nước khoảng 60.000-67.000 đồng/kg, thậm chí có nơi đã lên tới 75.000-80.000 đồng/kg.
Nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm nguồn cung tại một số địa phương, nhất là ở những khu vực tiêu thụ lợn thịt tại chỗ do người chăn nuôi không bán lợn ra thị trường. Trong khi đó, vẫn còn hiện tượng vận chuyển lợn theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, các nguồn thông tin vừa qua chủ yếu tập trung phản ánh những nơi có giá cá biệt đã vô hình chung cùng tạo hiệu ứng lan tỏa giá lợn trong nước tăng cao do thiếu trầm trọng nguồn cung và thương lái lợi dụng đẩy giá lên cao bất thường.
Lo ngại thiếu thịt lợn dịp Tết Nguyên đán
Theo Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn thời điểm này đã tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước, ở miền Bắc, tháng 11/2019, giá lợn hơi ở mức 70.000-75.000 đồng/kg, cá biệt ở Lào Cai, Hưng Yên lên tới 78.000 đồng/kg, ở miền Trung dao động mức 70.000 đồng/kg và miền Nam từ 65.000-75.000 đồng/kg. Tổng cục Thống kê dự báo mức CPI tháng 11 tăng khoảng 0,8-1%, riêng giá thịt lợn tác động đến mức tăng CPI là 0,75%.
Dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu khoảng hơn 600.000 tấn và với mức cung căn cứ trên tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu như hiện nay thì tổng cung sẽ là hơn 400.000 tấn, thiếu hụt hơn 200.000 tấn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ lo ngại, trong 2 tháng cuối năm nếu không cẩn thận sẽ thiếu thịt lợn cục bộ, mất cân đối giữa các vùng miền, đảo lộn về giá cả. Đây cũng là thời điểm có nhu cầu thực phẩm cao nhất. Nếu không các các giải pháp đồng bộ sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng cả trước mắt lẫn lâu dài.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn các bộ, ngành và doanh nghiệp phải cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, cùng vào cuộc để tăng nguồn cung, thông tin thị trường chính xác để tránh tâm lý thị trường.
Trả lời về vấn đề trên, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam thẳn thắn bày tỏ: “Công ty mong muốn cùng đồng hành với Bộ NN&PTNT trong ổn định thị trường nhưng nếu không có doanh nghiệp khác cùng đồng hành sẽ rất khó”.
Trước tình hình giá lợn tăng cao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ NN&PTNT nhanh chóng công bố tình trạng và đưa ra các giải pháp đáp ứng cung-cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp Lễ, Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng từ 25-30%/ngày.
“Chính phủ khẳng định sẽ kiểm soát lạm phát từ 3,3-3,9% và có thể thấp hơn mặc dù giá xăng dầu thế giới tăng và giá lợn tăng trên cơ sở bảo đảm cung-cầu và minh bạch các thông tin cho người dân và người tiêu dùng biết để bảo đảm hài hoà lợi ích các bên”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.